Thursday, May 16, 2024

Hồ Biểu Chánh qua góc nhìn hậu thế

Lời ghi của Hồ Biểu Chánh trên mục Quảng cáo đồng nhơn về Đại Việt tập chí - Ảnh: HỒ LAM

Lời ghi của Hồ Biểu Chánh trên mục Quảng cáo đồng nhơn về Đại Việt tập chí - Ảnh: HỒ LAM

Công trình khảo cứu Chân dung Hồ Biểu Chánh của giáo sư Nguyễn Khuê in lần đầu năm 1974, đến nay tròn nửa thế kỷ.

Quyển sách vừa được Trung tâm Nghiên cứu quốc học tái bản lần thứ ba.

PGS.TS Võ Văn Nhơn cho rằng gần như ai nghiên cứu về văn học quốc ngữ Nam Bộ trước kia hay hiện nay cũng đều phải tham khảo tác phẩm này.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

GS Nguyễn Khuê đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh những năm 1960, ông nung nấu ý định viết sách.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông nói: "Khi định viết về ông, tôi chưa có điều kiện đọc toàn bộ, nhất là thơ của Hồ Biểu Chánh, khá khan hiếm.

Tình cờ, tôi gặp ông Hồ Văn Kỳ Trân, con trai trưởng của Hồ Biểu Chánh, tại Trường tư thục Les Lauriers (nay là Trường tiểu học Đuốc Sống).

Ông Kỳ Trân đọc cuốn Tâm trạng Tương an quận vương qua thi ca của ông của tôi và bảo: "Ước gì "ông cụ" tôi được viết một cuốn sách như thế này". Tôi bảo nếu ông Kỳ Trân muốn thì tôi có thể với điều kiện xin ông hãy đưa tất cả những tư liệu về Hồ Biểu Chánh cho tôi".

Rồi thì rất nhiều cuốn tiểu thuyết đóng bìa cứng có thủ bút của Hồ Biểu Chánh đã được chuyển cho ông Nguyễn Khuê, trong đó có tác phẩm viết tay Tâm hồn tôi. Sau khoảng một năm rưỡi, bức Chân dung Hồ Biểu Chánh đã thành hình.

Cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh - Ảnh: HỒ LAM

Cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh - Ảnh: HỒ LAM

Có một nhà báo Hồ Biểu Chánh

Ngoài những đóng góp lớn cho nền văn học, thi ca của nước nhà, giới nghiên cứu còn nhìn nhận Hồ Biểu Chánh trong vai trò là một nhà báo.

Trong cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh, ông Nguyễn Khuê nhận định Hồ Biểu Chánh nhận trợ cấp của Sở Thông tin tuyên truyền Pháp để làm Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí nên đã có những dư luận không tốt cho ông. Lòng yêu mến của độc giả với ông cũng không còn nguyên vẹn.

Khi trò chuyện về cuốn sách này, TS Nguyễn Nam đồng tình với phân tích của ông Nguyễn Khuê.

Nhưng ông nói 50 năm sau, hậu thế đã có cái nhìn cởi mở hơn. Theo Hồ Biểu Chánh, người viết báo chân chính phải tự lãnh hai nhiệm vụ: phát minh công lý, chánh đạo và bênh vực quyền lợi công cộng của nước nhà.

Ông Nguyễn Nam cho rằng làm báo dưới chế độ thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ, Hồ Biểu Chánh có một nguyện vọng muốn hé lộ thực tại chính trị ở Việt Nam, đi vào thực học, giúp người dân nâng cao nhận thức, tri thức của mình. Những điều này cực kỳ quan trọng trong việc tạo dựng ý thức độc lập dân tộc và hướng tới định hướng tích cực hơn cho một xã hội phát triển.

Trên mục Quảng cáo đồng nhơn, Hồ Biểu Chánh viết: "Chúng tôi lập Đại Việt tập chí nầy chẳng hề dám sánh lòng viễn đại như Đông Dương tạp chí bên Trung Quốc hoặc tính luận cao sâu như Nam Phong tạp chí ngoài Bắc Kỳ.

Chỗ chủ ý của chúng tôi thì tầm thường mà thôi; chúng tôi duy muốn buộc tình thân ái của Pháp quốc với Việt Nam, muốn truyền tư tưởng mới, muốn tỏ môn thiệt học, ngỏ giúp quốc dân muôn một trong đường tấn hóa".

"Khác với Đại Việt tập chí dành cho giới trí thức, Nam Kỳ tuần báo sẽ phổ cập kiến thức cho đại chúng. Tờ báo tạo tinh thần mới cho quốc dân, kết hợp với luân lý cố hữu, với tánh khí hùng hào, tiến thủ của thời đại, khôi phục những thuần phong mỹ tục của dân tộc" - TS Nguyễn Nam phân tích.

Bậc thầy Việt hóa tác phẩm văn học thế giới

Giáo sư Nguyễn Khuê bên cạnh công trình nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh của mình - Ảnh: NGỌC HÂN

Giáo sư Nguyễn Khuê bên cạnh công trình nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh của mình - Ảnh: NGỌC HÂN

Với đạo diễn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hồ Biểu Chánh là bậc thầy Việt hóa các tác phẩm văn học thế giới như: Cay đắng mùi đời phỏng theo Không gia đình của Hector Malot, Ngọn cỏ gió đùa phỏng theo Những người khốn khổ của Victor Hugo, Chúa tàu Kim Qui phỏng theo Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas, Người thất chí phỏng theo Tội ác và hình phạt của Dostoevsky...

Bà nói: "Ông chẳng những Việt hóa tác phẩm của những nhà văn Pháp gần gũi phong cách sáng tác, phù hợp kiến thức Pháp ngữ của ông mà còn mô phỏng tác phẩm của nhà văn Nga độc lạ là Dostoevsky".

Trong sáng tác, bà học hỏi nhiều từ cách nhà văn Hồ Biểu Chánh chọn lọc chi tiết gần gũi văn hóa người Việt, thay đổi hoàn cảnh để độc giả tin câu chuyện có thể xảy ra ở Việt Nam, sáng tạo làm giàu thêm tinh thần gốc.

Ví dụ, chi tiết bối cảnh cách mạng Pháp trong Những người khốn khổ của Victor Hugo đổi thành giặc Lê Văn Khôi trong Ngọn cỏ gió đùa, hay chi tiết ăn cắp "ổ bánh mì" đổi thành "trã cháo heo".

"Lê Văn Đó nghèo khổ "đến mượn một vài giạ lúa về mà cứu cấp mẹ già cháu nhỏ đói nằm thở hoi hóp" mà họ không cho.

"Cùng thế bưng cháo của heo ăn đem về cho mẹ với cháu ăn đỡ, họ không nghĩ lại bắt mà đánh", chi tiết rất thật như hoàn cảnh của người dân Việt Nam nên ai đọc cũng xót thương thân phận người dân nghèo khổ" - Minh Ngọc dẫn chứng.

Theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, một trong những người làm nhiều phim truyền hình chuyển thể nhất từ tác phẩm Hồ Biểu Chánh, rất nhiều tiểu thuyết của ông đã được chuyển thể thành phim, kịch, cải lương bởi cốt truyện rõ ràng, hấp dẫn, đủ mọi thành phần nhân vật, đặc biệt có tính nhân văn: trọng nghĩa khinh tài, trọng lễ khí, có vay có trả...

Điều này gần gũi với khán giả.

"Trong tính cách của người Nam Bộ, chữ nghĩa luôn làm đầu, tiền bạc là "phù du". Thông qua truyện của mình, Hồ Biểu Chánh đánh đúng tâm lý của người Nam Bộ xưa: nghèo cho sạch, rách cho thơm nên vì vậy mà các tác phẩm của ông có giá trị lâu dài trong đời sống văn chương miền Nam" - ông Hồ Ngọc Xum cho biết.

Cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh nhìn nhận thân thế, sự nghiệp của ông trong các lĩnh vực báo chí và biên khảo, thi ca, tiểu thuyết.

GS Nguyễn Khuê từng là trưởng bộ môn Hán Nôm, khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).

Ông là nhà nghiên cứu văn hóa có nhiều đóng góp có giá trị cho văn học Hán Nôm và văn học quốc ngữ thời kỳ sơ khai của Nam Bộ tại Việt Nam.

0 nhận xét:

Post a Comment