Trưng bày từ nay đến 4-12 tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM), triển lãm 50 sắc sắc giới thiệu bộ sưu tập tranh nude từ nhiều họa sĩ khác nhau.
Cuộc hội ngộ tranh nude của hơn 20 họa sĩ các thế hệ
Đến với triển lãm, người xem có dịp thưởng thức bộ sưu tập các tác phẩm của hơn 20 họa sĩ thuộc 4 - 5 thế hệ tác giả khác nhau cùng vẽ về tranh nude.
Mỗi bức tranh đều thể hiện phong cách riêng của người vẽ, từ lãng mạn, nhẹ nhàng đến mạnh mẽ, nổi loạn, phá cách... Tất cả mang đến một trải nghiệm đa sắc về vẻ đẹp nguyên sơ của cơ thể người cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong đó, có tranh sơn dầu nude của họa sĩ Pháp André Favory (1889 - 1937); các tác phẩm của lớp họa sĩ đàn anh như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ; thế hệ thời kỳ đổi mới và bản lề như Trần Lưu Hậu, Bửu Chỉ, Đặng Xuân Hoa... và các họa sĩ đương đại như Bùi Tiến Tuấn, Vũ Ngọc Vĩnh, Phương Quốc Trí...
Các tác phẩm của triển lãm trải dài từ trường phái Paris đến tượng trưng, biểu hiện, tân biểu hiện, siêu thực, tân hiện thực, trừu tượng hiểu hình và những tác phẩm trong thời kỳ đổi mới khoảng 30 năm gần đây.
Đặc biệt, triển lãm còn có các tác phẩm được ví như "trái cấm chín muộn" của hai họa sĩ lão thành là Lưu Công Nhân và Trần Lưu Hậu.
Các bức tranh được sáng tác vào thời gian cuối đời, nhưng sức sáng tạo của họa sĩ vẫn sung mãn, thăng hoa.
Những tác phẩm trần trụi và thuần khiết
Theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, có thể xem triển lãm 50 sắc sắc là một phần gặt hái những hoa quả từ sự hội nhập của nghệ thuật Việt Nam với thế giới từ 30 năm qua.
"Triển lãm là một hành trình tìm kiếm bản thể và sự hiện diện của chính mình, một bản thể trần trụi và thuần khiết. 50 sắc sắc như những tấm gương mà người xem sẽ tìm thấy bản ngã chân thật của mình. Hãy trần trụi, hãy là con người thật của mình" - theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng.
Với nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, đây không phải là "50 sắc thái" nóng bỏng cuồng nhiệt mà lại là 50 sắc sắc diễn tả sự hiện hữu có thật của con người, của da thịt trong những "sắc không" của muôn trùng vũ trụ.
Bỏ tính nhục dục hay sự gợi cảm trong tranh khỏa thân là điều bất khả thi, nhưng vượt lên trên hết là cái đẹp thiêng liêng đem đến cho người xem tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng, hoan lạc.
Mỗi người đều mang trong mình những ý niệm riêng, sẽ tự có cảm nhận và đánh giá, và đối với tranh khỏa thân hoàn toàn không có cách hiểu nào là đúng hay sai.
Quan trọng là tác phẩm gợi mở nơi người xem một thế giới mộng tưởng.
Nhiều người xem tranh nude là nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể người, đặc biệt của người phụ nữ. Nhưng một số lại cho rằng tranh nude dung tục, thô thiển và không tế nhị. Vì vậy, đây vẫn luôn là đề tài muôn thuở vừa hấp dẫn, vừa gây tranh cãi.
Là nhà sưu tập còn trẻ thuộc thế hệ thứ 6 của lịch sử sưu tập Việt Nam, bộ sưu tập của Nguyễn Thanh Huyền (Huyen Art House) được xem là chưa thật đồ sộ, còn thiếu các tác phẩm quan trọng trong lịch sử tranh nude, những tác phẩm độc lạ hoặc thật đắt tiền.
Nhưng qua những gì hiện có, mắt nhìn và thẩm mỹ của nhà sưu tập được đánh giá là có chất lượng và cá tính, chưa kể dám chọn sưu tập tranh nude đã là một lối đi riêng.
Một số hình ảnh khác tại triển lãm 50 sắc sắc:
0 nhận xét:
Post a Comment