Sunday, November 26, 2023

Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn

Bà Bùi Thị Minh Hoài - trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao giải nhất cho các tác giả - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bà Bùi Thị Minh Hoài - trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao giải nhất cho các tác giả - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tối 26-11 tại Hà Nội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn.

Theo đó, ban tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn đã trao giải nhất thể loại truyện ngắn cho Con đường của Hạ của tác giả Trịnh Thị Phương Trà và tác phẩm Hoa xương rồng của tác giả Nguyễn Trí ở thể loại tiểu thuyết.

Con đường của Hạ tái hiện cuộc sống trong khu trọ nghèo của những phụ nữ đã đi qua thăng trầm, biến cố cuộc đời. Họ tìm về đây nương tựa vào nhau.

Ở đó, Hạ - nhân vật chính đã phải vật lộn với muôn vàn gian khó để giữ trái tim ấm áp của mình. Hạ nhận được sự giúp đỡ của nhân vật "chị", "chị" ẩn danh, ít xuất hiện, nhưng hình dung rõ nét dần qua những hành động, sự nỗ lực giúp đỡ những mảnh đời vất vả tìm lại được hạnh phúc.

Còn tiểu thuyết Hoa xương rồng xoay quanh cuộc sống đầy biến động, thăng trầm với những biến cố, va đập vì mưu sinh của các thành viên trong một gia đình lao động. Tác giả Nguyễn Trí cũng chia sẻ, ông đã viết về chính gia đình mình.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, ban tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân - công đoàn nhận được gần 500 tác phẩm.

Trong đó có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả đại diện cho mọi tầng lớp, phần lớn là các tác giả không chuyên, có cả học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật và Việt kiều gửi tác phẩm dự thi.

Ông Hiểu bày tỏ ấn tượng với nhiều tác phẩm viết về trải nghiệm cuộc sống công nhân trong xóm trọ, nhà máy, nơi nhưng lo toan, trăn trở của người lao động được thể hiện có cả niềm vui xen lẫn khó khăn.

Hình ảnh người công nhân Việt Nam dù còn khó khăn nhưng luôn có niềm tin về tương lai phía trước. Họ sống tử tế, chân thành, biết chia sẻ và khát vọng cống hiến.

Cũng trong các tác phẩm, hình ảnh Công đoàn Việt Nam đang chuyển mình đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng được nhiều tác phẩm thể hiện rất thành công.

Ông Hiểu cho biết, thông qua các tác phẩm văn học, xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới. Việc đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay rất quan trọng.

Cuộc thi cũng khẳng định đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của người lao động, vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn đã và luôn là nguồn chất liệu vô tận đối với những tác phẩm văn học. Từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị văn chương, có tính nhân văn cao cả, khơi dậy tình yêu đất nước, yêu công việc, yêu Công đoàn và khát vọng cống hiến của mỗi người lao động.

0 nhận xét:

Post a Comment