Sự kiện diễn ra tại TP Thủ Đức (TP.HCM) tối 22-6.
Thực khách đến với sự kiện được trải nghiệm làm bánh dân gian và thưởng thức 10 món đặc trưng xứ Huế do hai vị khách mời cùng đội ngũ bếp Mặn Mòi chuẩn bị.
Đó là bánh bột lọc, bánh nậm, bánh canh tôm, bún giấm nuốc, chè đậu ván, chè đậu xanh, bánh bó mứt, bánh tế điều, bánh phục linh và trà mộc liên.
Người Huế ăn bún giấm nuốc vào giờ trưa
Mạ Thương rời Huế vào Nha Trang sinh sống đã hơn 50 năm nhưng dù ở Nha Trang hay đi đến nơi đâu, bà vẫn mang theo bên mình những niềm thương nỗi nhớ với món Huế.
Dù đã lớn tuổi, bà vẫn thích tự làm các món Huế cho con cháu thưởng thức.
Với các món bánh nậm, bột lọc, bà thường tự mình đi chợ mua bột, lá chuối và các nguyên liệu, rồi về tự nhồi bột, cắt bột, làm nhân bánh...
Bà bảo công đoạn nhồi bột và rọc lá để gói bánh luôn quan trọng.
Nhồi bột, cắt bột phải đều tay, còn lá chuối rọc ra phải lau sạch, không gói quá nhiều để khi ăn thì cảm nhận vừa đủ.
Còn Đào Hữu Quý, một người con xứ Huế thường làm clip giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, làng nghề Huế trên TikTok giới thiệu đến thực khách món bún giấm nuốc, món ăn mà anh đã được học từ các mạ, các o.
Hữu Quý chia sẻ món bún giấm nuốc được xem là thức quà quý, là món ăn dành cho giới quý tộc khi xưa ở Huế.
“Con nuốc là lộc trời ban vì mỗi năm theo mùa người dân chỉ được ăn một lần vào đúng mùa hè ở các vùng nước lợ của Huế. Vì vậy, đây cũng gọi là món ăn mùa hè" - anh nói.
Theo Hữu Quý, bún giấm nuốc có tính hàn, ăn vào sẽ mát người. Vậy nên, người Huế thường ăn món này sau giờ trưa.
Nét độc đáo và kỳ công của món ăn chính là cách chế biến hai loại nước lèo. Một loại được nấu từ gan kết hợp với tương bần, đậu phộng cùng mè và một loại từ cá bống thệ sông Hương.
Người Huế kết hợp hai loại nước lèo này cùng với bún và các nguyên liệu như: nuốc, chả cua giã tay, tôm, thêm chút bánh tráng, rau sống, tương ớt cay nồng đặc trưng của Huế để tạo ra món bún giấm nuốc có vị chua ngọt thanh.
Dùng tay làm bánh bó mứt để cảm nhiệt
Tại sự kiện, Hữu Quý cũng tái hiện cách làm bánh bó mứt. Theo anh, đây là một món bánh dân gian thường được làm vào các dịp trong nhà có tiệc, giỗ ông bà.
Hay đơn giản khi trong vườn nhà người Huế có nhiều trái cây được mùa chín rộ, mấy mạ thấy tiếc vì không ăn hết thì sẽ đem làm bánh, hoặc khi làm mứt đón Tết thì có những thứ mứt vụn còn dư cũng sẽ được tận dụng.
Quý cho biết để bó món bánh này, người Huế sẽ không dùng găng tay mà dùng chính đôi tay mình để cảm nhận nhiệt của món.
Bánh bó mứt thường được làm từ sáu loại mứt: ba loại mứt khô, ba loại mứt ướt… Bột được dùng là loại bột làm từ loại gạo ngon nhất xứ Hương Vinh.
Bột làm sạch đem rang cùng lá dứa cho thơm và xay ra thật mịn. Tùy vào từng mùa mà sử dụng loại trái cây có sẵn của địa phương để làm mứt, độ đường cho từng loại mứt cũng khác nhau.
Trái cây cắt sợi và ngâm với đường trong 8 tiếng, rim mứt với lửa liu riu đến khi mứt cạn nước, để mứt nguội.
Sau đó rải một lớp bột nếp, chọn loại mứt mà mình thích, mỗi thứ một ít, vừa trộn bột và mứt vừa bó lại đến khi mứt bên trong và ngoài có độ ráo. Để bánh nghỉ qua đêm rồi cắt thành miếng vuông, gói trong giấy kiếng.
Hữu Quý chia sẻ: "Hộp ngũ sắc vuông tượng trưng cho đất, sẽ đặt trên mâm lễ cùng bánh hình tròn tượng trưng cho trời…
Hộp bánh làm từ sáu màu, gồm năm màu trong bảng màu cơ bản của người Huế cùng một màu trung tính là màu trắng.
Chiếc hộp bánh ngũ sắc dâng lễ tượng cho âm dương ngũ hành, sự hài hòa của vạn vật trong trời đất".
Chuỗi sự kiện ẩm thực "Hương vị quê nhà" do nhà hàng Mặn Mòi tổ chức và vận hành từ cuối tháng 12-2023 nhằm tôn vinh và giới thiệu các món ăn đặc trưng trên khắp các vùng miền Việt Nam đến với nhiều thực khách.
Sau loạt sự kiện: Món ngon từ sợi lúa gạo ba miền, Bánh trái miền Tây, Bún mắm miền Tây, Món ngon Cần Giờ, Món ngon Bình Phước, Huế - Nhớ Mạ ta xưa là sự kiện thứ 6 được tổ chức tại Mặn Mòi.
0 nhận xét:
Post a Comment