Câu chuyện từ PGS.TS Ngô Văn Giá trong buổi mạn đàm về loài hoa sen trong văn hóa Việt tối 26-6 tại không gian triển lãm Hồng sen: Paris - Hà thành mùa tháng 6 ở Hà Nội đã gây ngạc nhiên thú vị cho các văn nghệ sĩ và công chúng tham dự.
Triển lãm và mạn đàm do nhà sưu tập Thúy Anh tổ chức, với sự tham gia của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, đại diện Ban vận động mỹ thuật và ngoại giao văn hóa Việt Nam, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu…
Hoa sen trong tầng sâu văn hóa Việt
Nhà phê bình Văn Giá trong buổi mạn đàm về sen đã kể câu chuyện Phùng Quán thể hiện tâm sự trên trong bài thơ Hoa sen được in và xuất bản trong tập Thơ Phùng Quán (NXB Văn Học, 2003).
Lâu nay, bài ca dao trên quá quen thuộc và rất được yêu thích trong dân gian, được coi là những câu ca ngợi vẻ đẹp thanh khiết, cao quý của loài hoa được coi là quốc hoa của dân tộc.
Nhưng trong bài thơ Hoa sen, Phùng Quán lại có cái nhìn đảo ngược.
Ông cho bài ca dao quá chú trọng vào mô tả vẻ đẹp bề ngoài của nhị, bông, lá sen với hai câu lặp lại mô tả vẻ đẹp này xếp cạnh nhau.
Đặc biệt, câu thơ cuối còn khiến loài hoa sen mang tội "phản trắc", bội bạc khi chối bỏ nguồn gốc bùn tanh của mình. Ông viết:
Tất cả là trong cái chữ gần
Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả…!
Là do bùn nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân: Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…
Chữ "gần" trong câu thơ này theo Phùng Quán không chỉ phản ánh sai sự thật khách quan về đặc tính sinh học của hoa sen, mà đồng thời nó còn dựng lên một tư thế ngạo mạn, kiêu kỳ, phản trắc chối bỏ nguồn gốc của loài hoa này.
Vì vậy ông kết bài thơ một cách mạnh mẽ, cương nghị như tính cách ông: "Nhân danh bùn! Nhân danh sen!/ Tôi đề nghị: Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!".
Nhà phê bình Văn Giá cho rằng Phùng Quán có thể đã quá lý trí và cứng nhắc khi phân tích bài ca dao này. Đến nay không thể phủ nhận bài ca dao vẫn có sức sống mãnh liệt và vẫn là biểu tượng về vẻ đẹp tinh khiết của hoa sen.
Gần đây, công chúng được nghe thêm những tư tưởng về hoa sen của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì dường như mọi thứ được hòa giải trong một tinh thần không nhị nguyên của nhà Phật.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: Không có bùn thì không có sen. Có thể hiểu bùn và sen chính là một, chuyển hóa trong nhau, không phân biệt thành hai. Càng không phân biệt thành sen thơm ngát với bùn hôi tanh.
Bỏ cái tâm phân biệt, để tận hưởng những bông sen thơm ngát mọc lên từ bùn đen.
Tại buổi mạn đàm, TS Trần Trọng Dương cũng chia sẻ về sen trong tầng sâu văn hóa Việt, các họa sĩ trò chuyện về việc "hóa thạch" vẻ đẹp của hoa sen lên tranh.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói về vẻ đẹp "nhẹ nhõm" của bông sen chính là cái vẻ đẹp "nhẹ nhõm" và thân lẫn tâm của người Việt, phẩm chất đã giúp dân tộc ta đi qua bao thử thách của lịch sử.
Những bức tranh sen từ đấu giá thời COVID-19
Triển lãm Hồng sen: Paris - Hà thành mùa tháng 6 được tổ chức tại không gian rất đẹp của biệt thư 49 Trần Hưng Đạo, đến hết ngày 30-6.
Triển lãm giới thiệu 18 bức tranh thuộc bộ sưu tập Hồng sen của nhà sưu tập Thúy Anh như: Mùa sen (Phạm An Hải), Sen Tây Hồ (Hải Kiên), Sen hồng (Đào Liên Hương), Sen vào hạ (Bình Nhi), Mùa sen vàng (Nguyễn Văn Đức)…
Bà Thúy Anh cho biết gần nửa số tranh sen trong bộ sưu tập do bà sưu tập thông qua đấu giá thiện nguyện ủng hộ các bệnh viện tuyến đầu trong đợt cả nước căng thẳng chống dịch COVID-19, ủng hộ Ban Vận động mỹ thuật và ngoại giao văn hóa Việt Nam.
Còn lại là những bức tranh bà trực tiếp chọn, sưu tập từ các họa sĩ bà yêu thích, một số bức bà được họa sĩ tặng.
Bà Thúy Anh cho biết trước khi giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật trong nước, triển lãm đã được bà mang giới thiệu tại Paris, cùng với những bộ áo dài, nón lá vẽ sen.
0 nhận xét:
Post a Comment