Saturday, June 22, 2024

Làm sống lại cồng chiêng Tây Nguyên

Đoàn nghệ nhân làng Ó, xã Ia Ve, huyện Chư Prông (Gia Lai), biểu diễn cồng chiêng tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku - Ảnh: TẤN LỰC

Đoàn nghệ nhân làng Ó, xã Ia Ve, huyện Chư Prông (Gia Lai), biểu diễn cồng chiêng tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku - Ảnh: TẤN LỰC

Màn đêm buông xuống, từng cơn gió mát lành nhẹ nhàng thổi qua cao nguyên Pleiku trong âm vang tiếng cồng chiêng.

Xa xa bên gốc thông già nơi quảng trường Đại Đoàn Kết, hàng ngàn người túm tụm một góc trời, vây tròn quanh nhóm nghệ nhân cồng chiêng đang say mê trình diễn.

Đắm chìm trong không gian cồng chiêng

Dưới bóng cây nêu cao vút, khúc ca Hát mừng Anh hùng Núp hòa cùng tiếng cồng chiêng âm vang núi rừng. Dập dìu theo vũ đạo, những chàng trai cô gái Jarai rạng ngời trong tà áo thổ cẩm vải đen trên nền chỉ đỏ.

Những khối cơ săn chắc dưới làn da rám nắng di động theo nhịp bước chân, phô diễn nét đẹp mạnh mẽ của núi rừng Tây Nguyên trong đêm vũ hội.

Hơn 2 năm nay, vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần, góc công viên này đã trở thành không gian cồng chiêng đặc sắc, hút người dân và du khách tìm về.

Tiếng cồng, tiếng chiêng cùng điệu múa, lời ca hòa với cây nêu, sắc màu thổ cẩm làm sống lại văn hóa cồng chiêng tưởng chừng đang dần mai một.

Đôi mắt mải mê nhìn điệu múa, tai thưởng thức tiếng cồng chiêng, bà Bùi Thị Thu, 51 tuổi, du khách từ Thái Nguyên, hoàn toàn chìm đắm trong không gian nghệ thuật.

Bà Thu thổ lộ dù đã đôi lần xem trình diễn cồng chiêng trên truyền hình, nhưng đây là lần đầu tiên bà được thưởng thức trực tiếp cồng chiêng trên đất Tây Nguyên.

Du khách này đánh giá cao không gian trình diễn đậm chất núi rừng và thái độ nghiêm túc, say mê của những nghệ nhân Jarai qua từng bài diễn.

Dưới bóng cây nêu, vũ đạo và cồng chiêng mê hoặc người dân và du khách ghé đến Pleiku - Ảnh: TẤN LỰC

Dưới bóng cây nêu, vũ đạo và cồng chiêng mê hoặc người dân và du khách ghé đến Pleiku - Ảnh: TẤN LỰC

Không chỉ thu hút khách phương xa, rất nhiều người dân trong tỉnh tìm về Pleiku những đêm thứ bảy để xem trình diễn. Đưa vợ và con gái vượt gần 50km từ huyện Chư Sê về xem biểu diễn, anh Nguyễn Duy Trường muốn vợ con biết thêm về nét văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa.

Anh Trường cho hay trong huyện có nhiều làng đồng bào, nhưng xem biểu diễn cồng chiêng trong các buôn làng bây giờ khá khó khăn bởi nhiều nơi không còn duy trì nữa. Chỉ khi nào tỉnh hoặc huyện có hoạt động lớn mới thấy bóng dáng cồng chiêng.

Dựng lại bản sắc văn hóa Tây Nguyên

Đêm diễn hôm ấy, trong số 40 nghệ nhân đội cồng chiêng xã Ia Ve, huyện Chư Prông, có đủ mặt già trẻ, gái trai của làng Ó.

Những nghệ nhân múa nhỏ tuổi nhất là hai cô bé Siu Ơn và Siu Mui chỉ mới 8 tuổi, hút hồn khán giả bằng gương mặt ngây thơ vô cùng khả ái. Trong khi đó nghệ nhân lớn tuổi nhất cũng là người cầm trịch buổi diễn là già Siu Do (72 tuổi).

Già Siu Do của làng Ó, xã Ia Ve, chơi đàn T'rưng ở trung tâm buổi diễn - Ảnh: TẤN LỰC

Già Siu Do của làng Ó, xã Ia Ve, chơi đàn T'rưng ở trung tâm buổi diễn - Ảnh: TẤN LỰC

Tranh thủ phút giải lao trước tiết mục mới, ông già tóc bạc bảo đội chiêng của làng rất đông, ai cũng tranh nhau khi được mời đi biểu diễn. Họ hào hứng kỳ lạ khi được đại diện quảng bá văn hóa buôn làng.

Hơn 2 năm tổ chức cồng chiêng cuối tuần, tất cả các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh này đã cử đoàn nghệ nhân trình diễn, có đoàn tham gia nhiều lần. Đó là kết quả rất bất ngờ, vượt ra khỏi mong đợi của những người làm công tác tổ chức.

Với cái cồng, cái chiêng trên tay, những nghệ nhân làng Ó, xã Ia Ve, say mê góp điệu cùng dàn hợp xướng - Ảnh: TẤN LỰC

Với cái cồng, cái chiêng trên tay, những nghệ nhân làng Ó, xã Ia Ve, say mê góp điệu cùng dàn hợp xướng - Ảnh: TẤN LỰC

Là người đứng sau thúc đẩy hoạt động này, ông Nguyễn Quang Tuệ - trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) - không giấu được vui mừng khi góp sức làm sống dậy văn hóa cồng chiêng.

Nhiều năm nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, ông khẳng định không gian văn hóa cồng chiêng là linh hồn chủ đạo của nền văn hóa các đồng bào Tây Nguyên bản địa. Nhưng xu hướng đáng buồn hiện nay là không gian văn hóa cồng chiêng ngày càng co hẹp.

Trong những bản làng, các buổi trình diễn ngày càng ít đi khi nhịp sống bước vào giai đoạn chuyển đổi. Những bộ cồng chiêng ngân vang một thuở dần bất động, trở thành vật trưng bày.

Mỗi đêm biểu diễn chương trình Cồng chiêng cuối tuần luôn thu hút đông đảo du khách - Ảnh: TẤN LỰC

Mỗi đêm biểu diễn chương trình Cồng chiêng cuối tuần luôn thu hút đông đảo du khách - Ảnh: TẤN LỰC

Theo ông Tuệ, mấy năm trước ngành văn hóa thống kê các buôn làng tỉnh này còn khoảng 5.000 bộ cồng chiêng, nhưng đa số trong cảnh phủ bụi, gần như "chết lâm sàng".

"Bảo tồn văn hóa cồng chiêng không phải là gìn giữ và trưng bày cái cồng, cái chiêng như hiện vật lịch sử, mà phải làm sống lại trong không gian nó thuộc về.

Phải tìm cách đặt vào tay nghệ nhân, để tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang cùng lời ca điệu múa đã làm nên bản sắc bao đời của đồng bào Tây Nguyên!" - ông Tuệ giãi bày.

Nhà nước đứng sau tiếp sức

Giai đoạn đầu tổ chức Cồng chiêng cuối tuần, những người làm chương trình rất vất vả vận động xã hội hóa, kêu gọi ủng hộ kinh phí cho đêm diễn, có lúc thiếu trước hụt sau.

Sau thời gian hoạt động, nhận thấy chương trình có hiệu quả tích cực, UBND tỉnh Gia Lai quyết định cấp ngân sách cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Cồng chiêng cuối tuần.

Nhờ nguồn lực này, những người tổ chức vững tâm duy trì hoạt động. Cũng từ đây, chương trình có nguồn bồi dưỡng, chăm sóc chu đáo hơn cho các đoàn nghệ nhân, tạo động lực để họ tập trung luyện tập, trình diễn.

Giữ linh hồn cồng chiêng phía núi Trường SơnGiữ linh hồn cồng chiêng phía núi Trường Sơn

Một thời gian dài bị kinh tế chi phối, nhiều người Pa Kô bán hết cồng chiêng để đánh đổi miếng cơm. Dù thế, nhiều người ở xã Tà Rụt vẫn nhất quyết không bán, giúp xã này còn lưu giữ 200 cồng chiêng.

0 nhận xét:

Post a Comment