Tuesday, May 21, 2024

Tôi bị nói một câu "muối mặt" khi vay tiền chị gái làm công nhân ở quê

Kết hôn rồi lấy chồng ở thành phố, tôi được cho là người con may mắn nhất trong gia đình. Bố mẹ sinh 5 anh chị em, tôi là con út, học hành đàng hoàng nhất nhà. Các anh chị ở quê cũng chỉ học hết cấp 2, cấp 3 rồi đi làm công nhân.

Quê tôi có nhiều xí nghiệp giày da nên nhiều người nghỉ học làm công nhân vẫn có thu nhập. Cũng nhờ có các khu công nghiệp ấy, cuộc sống của mọi người ở quê cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

May mắn hơn các chị, tôi kiếm được công việc tốt nhờ học hành và cũng lấy được chồng ở thành phố. Nhiều người nghĩ, chắc tôi sẽ giàu có nhất nhà, tương lai tươi sáng nhất. Tôi cũng nghĩ như vậy và luôn thương các chị.

Mấy năm đầu mới đi làm, có tiền, tôi thường gửi về biếu bố mẹ và cho các chị em ở nhà mỗi người vài trăm, một triệu đồng để tiêu. Chị nào khó khăn, mỗi dịp về chơi, tôi hay mua nhiều quà hơn, còn cho tiền các cháu.

Tôi bị nói một câu muối mặt khi vay tiền chị gái làm công nhân ở quê - 1

Chị gái nói câu khiến tôi xấu hổ, chẳng dám vay tiền ai nữa (Ảnh minh họa: FP).

Nhưng cuộc sống, không ai nói trước được điều gì. Từ sau khi lấy chồng, sinh con lại thêm khoản trả góp tiền mua nhà chung cư, tôi bắt đầu khó khăn chồng chất.

Công việc của chồng không như ý, công việc của tôi cũng tạm bợ. Hai người chạy vạy suốt ngày. Tôi còn phải bán thêm hàng trên mạng để kiếm tiền rồi còng lưng nuôi hai đứa con ăn học và trả tiền lãi ngân hàng.

Nhiều lúc, tôi nói với chồng: "Mình ở thành phố, nhà cửa có, công việc có nhưng lại chẳng bằng các chị ở quê làm công nhân lương 8 triệu đồng". Đúng thật, ở thành phố, lương 20 triệu đồng nhưng đủ thứ chi tiêu, cũng chỉ bằng người ở quê làm lương 7-8 triệu đồng.

Có những tháng, tôi khó khăn vì phát sinh con ốm, chồng ốm và phải đi vay tiền. Chật vật là thế nhưng tôi chẳng dám kêu ai. Chỉ có những người bạn bè thực sự thân thiết, cùng cảnh ngộ đi mua nhà trả góp mới hiểu được nỗi khó nhọc này.

Có lúc, tôi từng ân hận vì nai lưng kiếm tiền chỉ để mua nhà trả góp. Có nhà ở thì sướng nhưng gánh nợ trên lưng thấy mệt mỏi vô cùng. Có tháng, tôi hết sạch tiền đong gạo, phải vay bạn bè vài triệu đồng tiêu tạm. Nói không có một nghìn tiền tiết kiệm nào, tháng nọ đập tháng kia thì không ai tin, nhất là những người ở quê. Họ nghĩ tôi ở thành phố, mua được nhà là giàu có lắm.

Công việc thời gian gần đây ngày càng khó khăn, công ty thường xuyên nợ lương, sa thải nhiều người. Tôi với chồng lo lắng vô độ, bàn tính xem nếu bị sa thải thì làm việc gì. Tôi cố gắng chắt chiu từng nghìn, bữa ăn cũng tiết kiệm. Đó là may còn có ông bà nội ở gần, thi thoảng gói đồ ăn gửi lên cho cháu nên đỡ được một chút.

Tháng trước, nhà có việc cần tiền, tôi về quê vay tiền các anh chị vì không có chỗ nào xoay nữa. Thực lòng, tôi rất xấu hổ vì không muốn bố mẹ biết mình túng thiếu. Nhưng suy cho cùng, vay người ruột thịt còn hơn vay người ngoài. Vì tôi nghĩ, mình khó thì anh chị em ruột sẽ sẵn lòng, bạn bè chưa chắc có đã cho vay.

Thế nhưng khi vừa mở miệng, chị cả nói một câu làm tôi tái mặt: "Dì học hành giỏi nhất nhà này, được lên thành phố học cao hiểu rộng, công việc tốt, lấy chồng thành phố mà giờ lại về quê vay tiền công nhân à?

Dì giả nghèo, giả khổ làm gì, dì có giàu, chị em chúng tôi cũng không vay dì đâu. Tôi mới thấy cả nhà đi du lịch với nhau mà. Có tiền đi chơi thế mà lại không có tiền tiêu à mà phải vay?".

Câu nói của chị gái khiến tôi khựng lại. Tôi hiểu mình được học hành hơn các chị, các chị cũng đã chịu thiệt thòi. Nhưng bố mẹ đâu có cấm các chị ăn học đàng hoàng, chỉ là các chị không chọn con đường như vậy. Giờ chị gái nói ra điều đó khiến tôi tủi thân vô cùng. Lúc khó khăn nghĩ người thân sẽ là người thông cảm cho mình nhất thì lại nhận những lời như dội gáo nước lạnh.

Sau ngày hôm đó, tôi chẳng dám vay mượn ai, chỉ biết tự nhủ phải cố gắng thật nhiều.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

0 nhận xét:

Post a Comment