Với 200 cồng chiêng bằng đồng còn giữ lại trong các hộ dân, xã Tà Rụt (huyện Đakrông) được xem là xã miền núi có nhiều cồng chiêng nhất của Quảng Trị.
Mất cồng chiêng như mất đi hồn người
Ngày cuối tuần, nhà ông Hồ Văn Phiêng (trú xã Tà Rụt) đông người lui tới, cả người già và trẻ nhỏ. Họ đến để đắm mình trong tiếng cồng chiêng, sống lại thanh âm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Trên tường nhà ông Phiêng treo nhiều nhạc cụ dân tộc, gồm 1 cái cồng, 6 cái chiêng, xập xõa, trống, tù và… Gia đình ông là một trong số ít còn giữ được cồng chiêng bằng đồng.
Người già đến thăm để được chơi cồng chiêng, ôn lại những điệu dân ca đã hát bên bờ suối khi còn thanh niên. Lớp trẻ đến để lắng nghe, tưới tắm tâm hồn trong điệu dân ca cùng với tiếng cồng trầm bổng.
"Ngày trước, chỉ những gia đình có địa vị, giàu có mới có được cồng chiêng, vì nó làm bằng đồng nên đắt giá. Mỗi cái giá trị cả một con trâu đực trưởng thành. Mình có cồng chiêng trong nhà, đi đâu cũng được quý trọng", ông Phiêng kể.
Tuy nhiên, những năm chiến tranh, chạy loạn đã khiến một phần cồng chiêng bị mất mát. Rồi 20 - 30 năm trước, người đồng bằng lên mua rất nhiều cồng chiêng.
"Nhiều người Pa Kô vì miếng cơm mà bán hết. Riêng mình thì cồng chiêng ông bà để lại, chỉ có mua thêm chứ nhất quyết không bán. Mất cồng chiêng là người Pa Kô mất đi linh hồn", ông Phiêng nói.
Ngoài việc nói lên địa vị trong bản làng, cồng chiêng sử dụng rất nhiều trong các nghi lễ tâm linh. "Có những cái cồng chiêng dùng riêng cho lễ cúng, phong tục tập quán không cho đánh vào việc khác. Không có tiếng cồng chiêng vang vọng, ông bà tổ tiên sẽ không về dự lễ với con cháu", ông Phiêng kể.
Trong cuộc sống thường ngày như bạn bè đến chơi, cồng chiêng được mang ra hát mừng, trai gái đưa ra bờ suối để hát các bản tình ca.
Quyết giữ linh hồn cồng chiêng của núi rừng
Ông Côn Bắt cũng giữ lại được 4 cồng, 4 chiêng từ thời ông bà để lại. Nhìn vào dàn cồng chiêng trên tường gỗ, ông Bắt cho hay ngày xưa cưới được vợ đẹp nhờ gia đình có nhiều cồng chiêng.
"Theo phong tục khi cưới vợ thì phải có cồng chiêng hoặc nồi đồng tặng cho nhà gái", ông kể lại rồi dùng tay chơi cồng, miệng líu lo một bản tình ca đầy da diết. Hát xong, cả ông và vợ cùng cười tươi.
Vợ chồng ông có 5 người con trai. Những năm qua, không chỉ giữ gìn cồng chiêng về mặt vật chất, ông còn gắng sức truyền dạy con cháu cách chơi các nhạc cụ dân tộc, cách hát những bản tình ca Pa Kô khiến người con gái nào nghe vào cũng đầy lưu luyến.
"Đây là cả một gia tài. Mình già rồi, giờ mình truyền lại cho con cháu", ông Côn Bắt nói.
Nghệ nhân Kray Sức (trú xã Tà Rụt) cho hay cồng chiêng là cầu nối giúp người Pa Kô giao tiếp với tổ tiên, các vị thần linh vô hình, đã ăn sâu vào tiềm thức đồng bào Pa Kô. "Muốn bảo tồn cồng chiêng thì phải cho giới trẻ biết, hiểu, thấy rồi nghe và thực tập cồng chiêng", ông Kray Sức nói.
Ông Hồ Văn Ngô - cán bộ văn hóa xã Tà Rụt - thông tin xã Tà Rụt còn lưu giữ 200 cồng chiêng đủ thể loại.
"Xã nắm bắt từng gia đình, vận động họ không bán cồng chiêng vì bất cứ lý do gì. Hằng năm, xã tổ chức các lớp dân ca dân vũ với khoảng 40 học viên tham gia để giữ truyền thống văn hóa người Pa Kô", ông Ngô nói.
0 nhận xét:
Post a Comment