Bởi lẽ việc điều chỉnh cần phải tuân thủ quy định của UNESCO và tất cả phải nhằm mục đích bảo vệ di sản tốt hơn. Hội nghị - hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức diễn ra vào ngày 13-11 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 44 điểm cầu ở trong nước.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều với một số những nội dung mới lần đầu tiên được đưa vào luật được kỳ vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề bất cập trong bảo vệ, phát huy di sản thời gian qua.
Không bảo vệ tốt di sản thì hủy danh hiệu
Tất nhiên đây không phải quy định mới mà nó đã có trong quy định của UNESCO. Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi lần này quy định rõ ràng hơn về trình tự, thủ tục.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc đề nghị UNESCO hủy bỏ danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong các danh sách của UNESCO, theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Ngoài ra, Chính phủ quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO nhưng không thực hiện đúng nội dung chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO hoặc vi phạm nội dung quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước UNESCO 2003.
Một quy định đáng chú ý trong dự thảo luật sửa đổi lần này là quy định về điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới.
Theo đó, khu vực bảo vệ I của di tích chỉ được điều chỉnh khi phương án điều chỉnh bảo đảm bảo tồn nguyên vẹn yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.
Còn khu vực bảo vệ II (vùng đệm) chỉ được điều chỉnh khi phương án điều chỉnh bảo đảm ngăn chặn được các yếu tố có thể tác động, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.
Như vậy, với dự án lấn biển trên vịnh Hạ Long gây sự chú ý lớn của dư luận mấy ngày qua, tỉnh Quảng Ninh muốn điều chỉnh ranh giới vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long vì các lý do để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ không được chấp thuận.
Khuyến khích tư nhân mua cổ vật để hiến tặng
Một quy định mới đáng chú ý nữa trong dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi được bà Lê Thị Thu Hiền - cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết là những quy định về khuyến khích tư nhân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, mua cổ vật từ nước ngoài hiến tặng cho Nhà nước...
Điều 70 của bản dự thảo về quản lý, bảo vệ bảo vật quốc gia, khoản 5, 6 quy định Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua bảo vật quốc gia và Chính phủ quy định chi tiết điều này. Điều 80 cũng quy định Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Tuy nhiên, khoản 2 của điều 80 cũng quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm xác định giá trị; đề xuất mua, đưa và cấp giấy phép nhập khẩu di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có công phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn về mức chi để mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích tổ chức, cá nhân mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; cá nhân hiến tặng cho bảo tàng công lập bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học hoặc có giá trị kinh tế cao.
Quy định khuyến khích cá nhân mua cổ vật từ nước ngoài hiến tặng cho Nhà nước là rất mới. Quy định này có thể thấy được đưa ra từ tình huống thực tế việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo sau khi có thông tin ấn vàng được đem ra đấu giá ở một nhà đấu giá của Pháp.
Một nhà sưu tập tư nhân dưới sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan văn hóa, ngoại giao của Việt Nam đã đàm phán thành công để mua ấn vàng đem về nước. Hiện các thủ tục vẫn đang được hoàn tất để có thể nhập ấn vàng về nước.
Tuy nhiên, mong muốn ấn vàng được về Bảo tàng Lịch sử quốc gia để hoàn thiện bộ sưu tập ấn vàng triều Nguyễn có thể không hoàn thành vì hiện nó thuộc sở hữu của nhà sưu tập tư nhân bỏ tiền ra mua ấn để hồi hương.
Các chính sách ưu đãi hấp dẫn cá nhân mua hiện vật từ nước ngoài hiến tặng cho Nhà nước được quy định trong luật mới có thể giúp giải quyết vấn đề.
Luật Di sản văn hóa cũng dành chương 9 để quy định phân cấp quản lý di sản rõ ràng hơn, từ cấp Chính phủ; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; các bộ, ngành; đến UBND cấp tỉnh và của tổ chức, cộng đồng và cá nhân. Khi có sự phân cấp rõ ràng hơn thì việc quản lý di sản được kỳ vọng sẽ tốt hơn hiện nay.
0 nhận xét:
Post a Comment