Thursday, November 9, 2023

Sách hay bị 'luộc' nhanh, chống sách giả không theo kịp công nghệ làm giả

Bà Đinh Thanh Thủy, ông Lê Nguyễn Trường Giang và bà Ngô Phương Thảo 

Bà Đinh Thanh Thủy, ông Lê Nguyễn Trường Giang và bà Ngô Phương Thảo

Phản ảnh với Tuổi Trẻ, bà Ngô Phương Thảo - đại diện Anbooks - cho biết bộ sách Dạy con hoang mang (gồm hai tập, đã in tổng cộng 35.000 bản) do Anbooks phát hành "đang bị làm giả và bán công khai trên mạng một cách trắng trợn".

Bà Thảo đồng thời là phó giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông số (Hội Truyền thông số Việt Nam) - đơn vị chủ quản chương trình Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Vụ việc trên nối dài những vụ sách giả, sách lậu nhiều năm qua khiến giới làm sách ngao ngán.

Khi nào có công nghệ xuất bản?

Bà Đinh Thanh Thủy - giám đốc Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM - bình luận rằng công nghệ chống giả thì không theo kịp công nghệ làm giả, thêm người bán và người mua sách chưa/không để ý phân biệt sách thật/giả, miễn sao tiện, rẻ là mua.

Bà Thủy nói: "Những sách được bạn đọc quan tâm tìm kiếm thì lập tức bị "luộc" ngay trong vài ngày".

Còn bà Thảo gọi đây là "cửa tử" của đơn vị đầu tư sách. Theo bà Thảo, cần hiểu công nghệ chống giả là một phần của công nghệ xuất bản. Trong khi đó, công nghệ chế bản sách giả/lậu chỉ liên quan đến in ấn - một phần khác của công nghệ xuất bản.

"Vậy khi nào thì ngành xuất bản có công nghệ xuất bản để hóa giải những kẽ hở của công nghệ in ấn, trong đó có nguy cơ cao đến từ công nghệ chế bản sách giả/sách lậu ngày càng tinh vi?", bà Thảo đặt vấn đề.

Bà Thảo chia sẻ hiện kẽ hở lớn nhất trong quy trình xuất bản là mỗi tựa sách được quản lý bởi một dãy số ISBN (mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách - PV).

Đơn vị làm sách giả chỉ cần đưa công nghệ in ấn sao chép vào cũng "bê nguyên" được nội dung của sách gốc, bao gồm mã số ISBN. Bà Thảo đưa góc nhìn: "Ngành xuất bản có rất nhiều cơ hội để chuyển đổi quy trình, ứng dụng công nghệ nhằm hóa giải thế kẹt này".

Bà ví dụ công nghệ blockchain (chuỗi khối) cho phép theo dõi toàn bộ tiến trình xuất bản của một cuốn sách, từ khâu ý tưởng đến khâu biên tập, xin giấy phép, quản trị in ấn, phát hành. Công nghệ AI còn cho phép theo dõi phản ứng, nhu cầu, tâm lý, thị hiếu của độc giả, các xu hướng nội dung, xuất bản.

Truyền thông kêu gọi người đọc không phải là giải pháp gốc, phạt thật nặng người làm/bán sách giả cũng là giải pháp ngọn. Giải pháp gốc là minh bạch toàn phần quy trình xuất bản, hệ thống hóa toàn bộ các khâu xuất bản trên một nền tảng mà đầu tàu là Cục Xuất bản. Cục Xuất bản nên là trung tâm của chuyển đổi số ngành xuất bản.
Bà Ngô Phương Thảo

Một nền tảng vận hành chung

Theo bà Thảo, phải hình thành công nghệ xuất bản, xây dựng nền tảng cho ngành, đó mới là giải pháp gốc.

Công nghệ chống giả có thể được tư duy lại là thay đổi quy trình vận hành lấy tác phẩm làm trung tâm, từ đó tối ưu các tương tác giữa nhà xuất bản với cơ quan chủ quản (Cục Xuất bản), giữa công ty liên kết xuất bản với nhà xuất bản và nhà in, cùng mạng lưới tương tác giữa nhà phân phối, độc giả trên cơ sở hệ thống hóa, minh bạch hóa, kết nối đa chiều và truyền thông tích hợp.

Đồng quan điểm, viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng bản chất sách giả, sách lậu sẽ không thể ngăn chặn được bằng các phương pháp truyền thống khi nó tồn tại dưới dạng "các vật thể vật lý thuần túy".

"Để chống sách giả, sách lậu, mỗi quyển sách phải được gắn kết vào một nền tảng vận hành chung", ông Giang nói. Ông Giang gợi ý đó là một nền tảng cho phép từng người đọc được định danh để tiếp cận sách thật; qua đó có được những dịch vụ giá trị gia tăng, hoạt động và những tiện ích từ sách:

"Thông qua việc phối hợp hệ thống, đồng bộ, cộng hưởng giữa người đọc, các đơn vị xuất bản và một nền tảng chung (nếu có sự quản lý của Nhà nước là tốt nhất) thì mới có thể chống được sách giả, sách lậu đến tận gốc rễ".

Theo bà Thảo, công nghệ sao chép tinh vi đến đâu cũng không thể chen vào thị trường nếu một tác phẩm được vận hành đồng bộ, minh bạch và được định danh duy nhất bởi chính nó, qua việc tạo cho mỗi cuốn sách một định danh riêng trên nền tảng công nghệ:

"Chừng nào ngành xuất bản còn khu trú riêng lẻ mà không hình thành quan hệ có tính hệ thống chặt chẽ thì công nghệ sao chép vẫn có thể "cướp công", thậm chí "thắt cổ" ngành xuất bản".

Ngoài giải pháp về công nghệ, bà Đinh Thanh Thủy bổ sung thêm vẫn cần sự vào cuộc thật sự quyết liệt cơ quan chức năng, quản lý chặt chẽ các cơ sở in ấn: "Có khi chỉ mấy máy photo fax hiện đại cũng đã có thể làm nhiễu loạn thị trường sách giả".

Kinh phí ra sao?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang bày tỏ nền tảng là một phương thức kinh tế chia sẻ, là một trung tâm giá trị chứ không phải một trung tâm chi phí: "Việc đầu tư nền tảng là một giải pháp mang tính cộng đồng, khả thi trong bối cảnh chuyển đổi số".

Ông Giang nói thêm hiệu quả hoạt động của nền tảng đến từ sự tham gia tích cực của các bên liên quan trên cơ sở lợi ích thu được; điều đó sẽ đóng góp ngược lại cho nền tảng tương ứng. Đó là cách nền tảng có thể duy trì và phát triển.

Cũng theo ông Giang, trong câu chuyện này một cơ quan nhà nước nên đóng vai trò là cơ quan chủ quản về mặt pháp lý, tạo hành lang pháp lý và kiểm soát tính tuân thủ của nền tảng, tính hợp pháp và tính minh bạch của nền tảng.

Bà Ngô Phương Thảo đề xuất Hội Xuất bản Việt Nam hoặc Cục Xuất bản, in và phát hành đều thích hợp để chủ trì. Nếu khó khăn, hội hoặc cục có thể kêu gọi đầu tư bên ngoài.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Sách giả, sách lậu là quốc nạnNhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Sách giả, sách lậu là quốc nạn

Nhà văn mà nói về hàng giả, hàng lậu nghe hơi trái khoáy nhưng bởi vì tôi biết đây là tệ nạn có tác động rất xấu đến sự phát triển của văn hóa đọc, làm lu mờ giá trị và vẻ đẹp của sách trong đời sống tinh thần của xã hội.

0 nhận xét:

Post a Comment