Việt Nam điểm đến đầy tiềm năng để phát triển điện ảnh ~ TINH YÊU GIỚI TÍNH

Monday, November 25, 2019

Việt Nam điểm đến đầy tiềm năng để phát triển điện ảnh

Hội thảo nhằm một lần nữa khẳng định sự quan trọng trong vấn đề hợp tác Việt Nam là phim trường quốc tế tương lai, và việc kết hợp phát triển du lịch bối cảnh quay phim tại Việt Nam.

viet nam diem den day tiem nang de phat trien dien anh hinh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc hội thảo.

Việt Nam là đất nước hình chữ S với bờ biển dài, đẹp ở Đông Nam Á, là quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời còn có bề dày không gian văn hóa vùng miền độc đáo. Nhiều địa danh nổi tiếng, những miền đất xinh đẹp của Việt Nam đã được các nhà làm phim Việt chọn làm bối cảnh, tạo nên những thước phim gây ấn tượng với khán giả.

Hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của bối cảnh quay phim tại Việt Nam, là dịp để các nhà sản xuất điện ảnh trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lựa chọn bối cảnh và quay phim thực tế tại Việt Nam, trong đó có các địa danh du lịch nổi tiếng.

Việt Nam đã từng là phim trường cho nhiều phim “bom tấn”

Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang là quốc gia có xu hướng được các đoàn làm phim quốc tế chọn lựa làm bối cảnh quay phim. Rất nhiều bộ phim nổi tiếng được quay tại Việt Nam, tiêu biểu là 3 bộ phim Pháp gồm “Đông Dương” của đạo diễn Régis Wargnier thực hiện, công chiếu lần đầu năm 1992, lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp; “Điện Biên Phủ” của đạo diễn kiêm biên kịch Pierre Schoendoerffer thực hiện; “Người Tình” của đạo diễn Jean-Jacques Annaud.

Hollywood cũng có hai phim đình đám lấy bối cảnh Việt Nam: “Người Mỹ trầm lặng” là một bộ phim chiến tranh - tình cảm - tâm lý Mỹ của đạo diễn Phillip Noyce thực hiện, công chiếu vào năm 2002, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh Graham Greene. Gần nhất là “Kong: Đảo đầu lâu”, lấy bối cảnh từ Quảng Bình, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long…, chưa tính các phim hoạt hình và nhiều phim khác.

viet nam diem den day tiem nang de phat trien dien anh hinh 2
 Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thu Hà đọc đề dẫn hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết thêm: Sau phim “Kong: Đảo đầu lâu”, một phim "bom tấn" của điện ảnh Hollywood có bối cảnh chính tại Việt Nam, ra mắt khán giả trên thế giới, một loạt địa điểm đã từng là bối cảnh của phim đã trở thành phim trường cho những tác phẩm điện ảnh khác.

Đồng thời các địa điềm đó trở thành những điểm đến- sản phẩm mới của hàng loạt tour du lịch thu hút khách trong và ngoài nước với các quần thể di sản thế giới và 5 danh thắng thuộc 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam được ghi hình để làm phim là: Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình), tạo nên một cơn sốt du khách đi thăm các bối cảnh trong phim tại các danh thắng trên.

Sau phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tạo "cơn sốt" phòng vé thì vùng đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh của phim cũng đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách. Vùng đất cao nguyên đá Hà Giang- công viên địa chất UNESCO phong tặng, trong bộ phim “Chuyện của Pao”, với những hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp, đã trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách nước ngoài.

Việt Nam điểm đến đầy tiềm năng

Mở đầu Hội thảo một cách ấn tượng là tham luận của ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Bằng nhiều clip, slide hình ảnh minh họa, ông Hoàng phân tích kỹ lưỡng thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam để phát triển điện ảnh.

viet nam diem den day tiem nang de phat trien dien anh hinh 3
Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế- Bộ VHTTDL Trần Nhất Hoàng trình bày tham luận.

Không chỉ sở hữu phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận, chi phí nhân công vừa phải, đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và cởi mở, được sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành và các được địa phương, tiếp sức bởi truyền thông và công chúng.

Bên cạnh đó, ông cũng nêu ra những mặt còn hạn chế của Việt Nam như thiếu chính sách khuyến khích riêng cho đoàn làm phim; thiếu thông tin quảng bá đến thế giới; ngành bổ trợ thiếu về dịch vụ và kinh nghiệm; nguồn nhân lực chuyên nghiệp còn hạn chế về số lượng, trình độ; thiếu các mạng lưới (đại lý, đại diện).

Ông Trần Nhất Hoàng đã đưa ra một số giải pháp, đề nghị bổ sung quy định pháp lý, phương pháp để tạo điều kiện cho các dự án hợp tác phim như: hoàn thuế, thủ tục hải quan, nhập cảnh người và thiết bị...; Tăng cường sự phối hợp và tạo điều kiện từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường quảng bá quốc tế, lập trang mạng xã hội, website và xây dựng các kế hoạch, chương trình, chiến dịch giống như ngành Du lịch đã marketing cho địa điểm du lịch những năm qua;

Các tỉnh/thành phố từ Trung ương đến địa phương chung tay quảng bá cảnh quan phục vụ bối cảnh phim; Khuyến khích các ngôi sao điện ảnh Việt Nam quảng bá bối cảnh quay phim tại Việt Nam; Khuyến khích doanh nghiệp chủ động, hoàn thiện dịch vụ...

Cùng quan điểm đó, ông James Cheatley - Giám đốc phụ trách châu Á Thái Bình Dương của MPA cho rằng, ngoài cảnh quan thiên nhiên, môi trường để quay phim thân thiện...Việt Nam cần có 1 đầu mối liên lạc để các nhà làm phim nước ngoài kết nối. Đầu mối này có thể giúp các đoàn làm phim các khâu thực hiện như xin giấy phép như thế nào, kết nối với các địa phương trong quốc gia đó, điều gì có thể hay không thể khi đến quốc gia này...

Việt Nam cần có cơ chế, chính sách cụ thể và rõ ràng về việc đón các đoàn làm phim quốc tế vào làm phim ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, New Zeland, Nhật Bản, Úc... đều có chính sách rất đầy đủ cho việc này. Họ có chính sách hoàn thuế, ưu đãi các đoàn làm phim vào quốc gia họ, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, quảng bá, giới thời tiết khí hậu, thủ tục, hỗ trợ thiết bị... dường như tất cả những gì mà một đoàn làm phim quan tâm khi đến một quốc gia nào đó thì họ đều cung cấp thông tin một cách minh bạch và đầy đủ.

Điều này tạo thuận tiện rất lớn cho các đoàn làm phim tìm hiểu và ra quyết định có vào quốc gia của họ hay không. Ông cũng hứa : "Khi Việt Nam xây dựng được chính sách phù hợp thì nên quảng bá ra với thế giới và MPA sẵn sàng hỗ trợ việc cung cấp thông tin này".

viet nam diem den day tiem nang de phat trien dien anh hinh 4
Họa sĩ Lee Ha Jun - Thiết kế mỹ thuật phim "Ký sinh trùng" Hàn Quốc.

Ngoài ra tại Hội thảo, họa sĩ Lee Ha Jun, Thiết kế mỹ thuật phim “Ký sinh trùng” - Hàn Quốc ( vừa đoạt Cành cọ Vàng- Liên hoan phim Cannes 2019), đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình lựa chọn bối cảnh, xây dựng bối cảnh cho đến khi hoàn thành bộ phim “Ký sinh trùng”. Đây là một trong những chia sẻ kinh nghiệm mang đến một góc nhìn khác cho các nhà làm phim của Việt Nam.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ trong bài phát biều của mình cũng khẳng định bối cảnh chính là một trong những thành tố quan trọng nhất trong việc tạo nên một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa.

Một ý kiến khác tại Hội thảo đến từ họa sĩ Đào Ngọc Hùng, Thiết kế mỹ thuật cho nhiều phim như: “Chàng trai năm ấy”, “Tấm Cám chuyện chưa kể”, “Chú ơi! Đừng lấy mẹ con”..., đề xuất cần phải có database - Dữ liệu này sẽ tổng hợp các địa điểm, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam để giúp cho các nhà làm phim, nước ngoài, các nhà nghiên cứu sẽ có thông tin và lựa chọn bối cảnh phù hợp.

Cũng cần nhấn mạnh, đây không phải ý kiến mới, ở các quốc gia phát triển, điều này đã được triển khai và đây là lúc Việt Nam cần nắm bắt và thực hiện để không chỉ ngành du lịch của Việt Nam phát triển mà điện ảnh Việt cũng sẽ được đẩy mạnh và đổi mới trong tương lai.

Sau hội thảo "Bối cảnh quay phim tại Việt Nam" là hội thảo thứ 2 "Nâng cao chất lượng Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ Hội nhập quốc tế" với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, các nhà chuyên môn cùng đại biểu tham dự LHPVN 21, và hy vọng sẽ có nhiều ý tưởng mới, thiết thực, để Điện ảnh Việt Nam thật sự phát triển./.

0 nhận xét:

Post a Comment