Vùng đất Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vốn là nơi địa linh nhân kiệt gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Nơi đây có chùa Đống Phúc nằm sát bến Rừng, ngã ba sông Bạch Đằng, tương truyền là nơi Hưng Đạo Đại Vương cầu quốc thái dân an trước trận và lập trai đàn cầu siêu. Thời Hậu Lê, chùa Đống Phúc cũng là nơi lánh nạn của mẹ con hoàng tử Lê Tư Thành, sau này là vua Lê Thánh Tông. Trong kháng chiến chùa cũng là điểm bí mật của Cách mạng.
Là ngôi chùa xây dựng bằng gỗ lim và đá nguyên khối lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, chùa Đống Phúc không chỉ có kiến trúc đẹp, uy nghiêm, hài hòa và yên bình mà trong khuôn viên còn có nhiều cây cổ thụ quý.
Cây Thị chùa Đống Phúc hơn 900 năm tuổi, dáng cây bề thế cao 19m, chu vi thân 5,17m.
Đã gần ngàn năm tuổi, tán Thị trùm rộng tỏa bóng mát quanh năm. Cây Thị vốn có ý nghĩa lớn trong Phật giáo khi được là loại gỗ duy nhất dùng để khắc kinh Phật.
Sau chùa còn có cây Gạo trên 400 tuổi, cao 18m, chu vi thân 5,9m. Trong tiềm thức dân gian, cây Gạo biểu tượng cho sự phồn thịnh, sung túc.
Vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch, hoa Gạo nở đỏ rực tựa như tấm áo choàng rực rỡ phủ trên mái chùa, mờ ảo trong mưa xuân đã trở thành hình ảnh đẹp trong tâm trí người con xa quê.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đánh giá, các cây cổ thụ chùa Đống Phúc dù trải qua khắc nghiệt của thiên nhiên và biến cố lịch sử vẫn sừng sững uy nghi chứng minh các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng đất và con người Quảng Yên.
Với những ý nghĩa đó, ngày 2/11, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây Thị và cây Gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc.
Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Đống Phú cho biết, đây là niềm tự hào chung của tất cả nhân dân trong vùng, cũng là sự động viên lớn đối với tăng ni Phật tử của chùa. Sự công nhận này sẽ góp phần bảo vệ cây quý, khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ các di sản của cha ông.
Ngoài 2 cây Thị, cây Gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên còn lưu giữ 2 cây Lim Giếng Rừng 700 năm tuổi, chứng tích của bãi cọc Bạch Đằng. Đây sẽ là các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử ý nghĩa cho Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng./.
0 nhận xét:
Post a Comment