Học hội họa nhưng lại viết văn. Giờ đây khi tuổi xế chiều người đàn bà đa tài nhưng cũng đa tình Trần Thị Trường lại say mê cầm bút vẽ. Những bức tranh tĩnh vật, phong cảnh luôn bao trùm một gam màu trầm buồn. Bà cho hay đó là những tác phẩm được vẽ từ bên trong những u hoài… khác hẳn với niềm vui tươi sáng bên ngoài.
Hội họa hay văn chương cũng đều là những nốt trầm để Trần Thị Trường thể hiện được những khát khao, hoài bão của người phụ nữ. Cuộc đời của bà cũng phảng phất qua những trang văn nhưng đâu đó, nó cũng là tiếng lòng, tiếng tình của người phụ nữ Việt.
Nhìn lại các tác phẩm đã viết, nhà văn Trần Thị Trường cho biết, bà vẫn xúc động khi đọc lại cuốn đầu tay “Lời cuối cho em”, cùng một số truyện ngắn khác như “Thị Lộ”, “Sóng vỗ mạn thuyền”, “Nô tỳ được trang sức”…Còn với hội họa đã đánh thức tâm can để bà không chìm vào nỗi buồn sâu lắng.
Phụ nữ “đa tài”, “đa nghề” chắc cũng “đa tình”?
PV: Bà được coi là một người đa tài và đa nghề, liệu với một người phụ nữ, điều đó nên vui hay buồn?
Trần Thị Trường: Tôi thì 10 năm trở lại đây, tôi gói mình trong một công việc. Nếu không đa tình thì sao đa tài được. Đa tình nó là bản chất của lang bang và phóng túng. Lang bang và phóng túng luôn luôn kích hoạt sự sáng tạo và nó cũng mang lại nhiều bối rối, sóng gió cho một sự ổn định của một gia đình vốn là gia đình Á Đông.
Cho nên 10 năm qua tôi trốn vào công việc bảo vệ quyền tác giả. Tôi sử dụng kiến thức, luật pháp về sở hữu trí tuệ, công việc đó cũng khiến cho tôi nghiêm túc một phần nào. Nghiêm túc ở đây là không rượu, không chơi khuya, tối về chỉ muốn nghỉ ngơi bên con cháu. Tuy nhiên sau 10 năm tôi vẫn thèm muốn sáng tác. Một cuốn tiểu thuyết đã thảo ra từ lâu, để đó trong thời gian bận bịu, bỗng một ngày nó ùa ra, đòi được hoàn thiện, và thế là tôi nghỉ việc ở cơ quan, quyết tâm làm cho xong cuốn tiểu thuyết trên 400 trang.
Đúng như bạn nói, người ta bảo hồng nhan bạc phận. Kiều thì nhất định phải đi những nỗi đoạn trường mới thành Kiều. Tôi không dám nói mình xinh đẹp, giỏi giang như Kiều nhưng bất kỳ một người đàn bà nào cũng là một Kiều. Người ta bảo không có đàn bà xấu (cười), tôi tin chắc là như vậy. Mình là Kiều phẩy thứ bao nhiêu đấy cũng vẫn có ngần ấy những nỗi đoạn trường.
Thông minh bao nhiêu, giỏi giang bao nhiêu và nếu như xinh đẹp, duyên dáng bao nhiêu nhất định bạn không thể nào tránh được có người quyến rũ, và số phận cho bạn những điều đó cũng nghĩa là cho bạn một cơ hội phạm tội. Bạn sử dụng cơ hội phạm tội đó như nào, trong chừng mực nào để bạn có thể lấy đó làm phông nền, làm ngòi nổ, làm bệ phóng cho trí tưởng tượng của mình để nó trở thành tác phẩm, mới là điều cần bàn đến...
Có thể tôi đã biết cách đưa tất cả những khát khao đó vào tác phẩm văn học, một khát khao, một ẩn ức, một hình bóng ai đó nó sẽ khiến cho tác phẩm sinh động hơn.
Nữ nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường nên những tác phẩm hội họa của mình. |
PV: Vậy bà đồng ý với ý kiến rằng bà có nhiều mối tình, nếu có thể bật mí một chút được không? Tôi vừa chứng kiến khi nhắc đến ca sĩ Ngọc Tân vẻ mặt của bà bỗng trở nên u hoài hẳn?
Trần Thị Trường: À, ra thì ra chị đã nhìn thấy? Tôi không giấu diếm rằng tôi rất yêu quý trân trọng ca sĩ Ngọc Tân, người có giọng hát một thời được coi là số 1. Nhưng chúng tôi coi nhau là bạn, đúng nghĩa bạn, không bước qua giới hạn. Chả phải trong sáng gì đâu mà vì không thể làm khác được, tôi thân với vợ anh ấy… Có người bảo không trải nghiệm tình ái thì viết tình ái hay thế nào được. Thật, tôi không viết được những trang thấm đẫm ái ân, nhưng tôi miêu tả được cái khát khao trong lòng người đàn bà …, điều đó có khi sinh động hơn nhiều so với một người đàn bà thỏa mãn.
PV: Trong văn chương, những tác phẩm của bà cũng đong đầy hình ảnh người phụ nữ nhưng những lời văn luôn chứa đựng sự cảm thông cho phận buồn khổ của đàn bà, phải chăng làm đàn bà là vất vả?
Trần Thị Trường: Bây giờ xã hội đã thay đổi rất nhiều nhưng chưa thay đổi đến mức mà những người đàn bà hoàn toàn được sống theo nhu cầu của mình và những nguyên tắc do chính mình đặt ra. Xã hội vẫn cho rằng những người đàn bà tự chủ là sống vô nguyên tắc. Đấy là cái nhìn rất phong kiến, khó mà hết ngay được. Đó là nỗi khổ của người đàn bà Á Đông.
Tôi có điều kiện sống ở Châu Âu 5 năm và sống với con ở Mỹ vài năm. Người Tây Âu tôn trọng phụ nữ. Những gì đàn ông được làm thì phụ nữ cũng được làm. Thượng đế cho mỗi cá nhân được sống vì bản thân mình cơ mà. Tuy nhiên, muốn sống như thế thì người Âu, Mỹ( cả đàn ông hay đàn bà) đều đặt ra nguyên tắc sống phù hợp với thẩm mỹ văn hóa của họ. Và vì thế, họ không hàm hồ như chúng ta cho rằng phụ nữ trí thức là sống buông thả. Người Việt chúng ta chỉ nhìn bề ngoài. Đó là nỗi khổ thứ nhất.
Nỗi khổ thứ hai trong một xã hội quan niệm rằng đàn bà là của gia đình và cái bếp là chính, cho dù có đảm đang bao nhiêu trong việc kiếm tiền nuôi sống gia đình hay giỏi giang trong sự nghiệp thì người đàn bà muốn rằng mình đẹp trong mắt người đàn ông của mình nên cố gắng hết sức ở công sở, ở cửa hàng xong lại về nhà cố gắng làm đẹptrong mắt chồng, con, thì nỗi khổ sẽ là tăng lên gấp đôi.
Thậm chí còn tăng lên cấp ba, bởi vì người đàn ông ra đường gặp cái đẹp có thể suồng sã ngay mà điều này thì cả xã hội không ai cho rằng người đàn ông đó là tội lỗi. Còn người đàn mà như thế thì ngay cả đồng nghiệp hay bạn gái bên cạnh chứ chưa nói đến xã hôi đã bảo ngay đó là người đàn bà hư hỏng… Tôi xót xa cho những người đàn bà rơi vào hoàn cảnh như vậy.
PV: Vậy những nỗi đau đó thể hiện trong trang văn của bà như thế nào?
Trần Thị Trường: Tôi diễn đạt sự thương xót của tôi đối với tất cả những người đàn bà có thật hay những nhân vật đàn bà mà tôi tưởng tượng ra.
Không chỉ miêu tả những nỗi khát khao thầm kín, luôn dằn vặt tâm can mà miêu tả cả những những nỗi trăn trở được giấu thật kỹ của họ… Tôi thấy ai đã đó nói rằng: “bất hạnh là một tài sản”, hay quá. Tôi thì miêu tả từng bất hạnh một.
Chằng hạn trong “Ngược nắng” kể về một người đàn bà có nhan sắc, có trí tuệ đi ra khỏi nhà thì bị những người hàng xóm vô công rồi nghề xung quanh nhìn theo, dè bỉu, coi nhan sắc và trí tuệ chả để làm gì, chỉ để làm "gái", và họ thì thầm với nhau người đàn bà nhan sắc trí tuệ kia là làm nghề xấu xa... Họ vẫn biết, người đàn bà kia có một ông chồng ở nhà không có việc gì làm, nhưng họ không biết rằng “người đàn bà trí thức kia phải gồng mình làm việc gấp mấy người để đủ nuôi sống một gia đình. Họ chỉ thấy, khác họ là đã đáng ghét rồi. Đó là một cái nhìn ngược. (Những người đàn bà sử dụng nhan sắc của mình như một vốn tự có thì cho phép tôi không bàn, vì biết đâu người ta cũng phải nhắm mắt đưa chân làm cái điều không muốn).
PV: Tại sao bà lại thích đi sâu vào những nhân vật oan trái.
Trần Thị Trường: Con người ta luôn có hai thái độ. Một là nước chảy chỗ trũng, phủ định người giàu nhưng hầu hết văn nghệ sĩ đứng về phe nước mắt. Đứng về nỗi đau, nỗi oan trái của người khác thì mới là nhà văn của nước mắt. Bản thân văn nghệ sĩ cũng là một bi kịch có nước mắt rồi.
PV: Vậy thì làm đàn bà luôn khổ?
Trần Thị Trường: Tôi nghĩ rất đúng (cười).
PV: Chả lẽ cam chịu sao? Nhưng tôi nhìn thấy ở đây có cả những bức tranh mang gam màu hồng, tươi sáng lung linh kia thôi?
Trần Thị Trường: À là vì, khi nhận ra rằng, đến như Âu, Mỹ văn mình kia mà những minh tinh màn bạc còn đau khổ nữa là, tôi cho rằng con tim lớn bao nhiêu, sự bao dung lớn bao nhiêu thì nó sẽ chứa bấy nhiêu niềm thương yêu. Mà thương yêu nhiều thì đau đớn nhiều. Vậy hãy thanh thản đi. Từ đó, tôi lại nhìn thấy cuộc đời có màu hồng, những bông hoa kia, những đồ vật kia khi tôi vẽ chúng tôi có cảm giác nó có linh hồn và nó trò chuyện với tôi…
Văn chương hay hội họa, đâu cũng phảng phất sự truân chuyên của người phụ nữ.
PV: Trong những chủ đề mà bà viết thì viết về phụ nữ dễ hay khó? Để khắc họa được những nhân vật đàn bà có số phận cần rất nhiều trải nghiệm, vậy cuộc đời của bà liệu có phảng phất trong những trang văn?
Trần Thị Trường: Chắc là có. Nói phảng phất thì chắc chắn còn văn nghệ sĩ có trí tưởng tượng không hề nhỏ. Trí tưởng tượng càng lớn thì sáng tạo càng lớn, không tưởng tượng thì làm sao sáng tác được.
Trong tiểu thuyêt “Lời cuối cho em” hình bóng của ca sĩ Ngọc Tân là sự phảng phất.
Hội họa giúp bà giải tỏa được những bủa vây trong lòng. |
PV: Giờ đây bà lại hứng thú với hội họa. Vậy với góc nhìn từ hội họa có thể lột tả được rõ nét những gì mà bà không thể hiện được qua con chữ?
Trần Thị Trường: Cảm ơn chị đã nhìn ra điều đó ở tôi, hội họa đã làm thay đổi phần nào thế giới nội tâm của tôi… Tôi rất thích vẽ những cây đèn cổ, miêu tả những ánh đèn. Tôi tìm những cây đèn dầu, ngọn bấc nó rất nhỏ, ánh sáng của ngọn đèn dầu kia không khác gì một đốm lửa trong tim, nó làm đủ sáng cho một căn phòng. Nó đánh thức tâm can của tôi. Giống như trong đêm, nó le lói lên, đủ sức lay đổi tôi để không bị chìm vào bóng đêm ấy của những nỗi buồn.
Chiếc đèn dầu trong tranh của Trần Thị Trường. |
PV: Cuốn tiểu thuyết khá dày bà vừa kể đó, bà có định ra mắt sách và triển lãm tranh như dự định không?
Trần Thị Trường:: Trước hết tôi nghĩ đến Triển lãm tranh vào tháng 12.2019, rồi mới quan tâm tới cuốn sách ấy. Tuy nhiên, tôi có khi nào ngừng viết đâu, nó là cảm xúc mà, những vấn đề xã hội, cuộc sống diễn ra hàng ngày vẫn khiến tôi viết và in những tản văn ngắn, những bài báo…/.
PV: Cảm ơn nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường!
0 nhận xét:
Post a Comment