Tuesday, October 29, 2019

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Cả âm nhạc và cuộc đời đều muốn “quy hoạch"

Nguyễn Vĩnh Tiến một cái tên khá nổi bật trong làng nhạc Việt, được khán giả biết đến với những ca khúc “Bà tôi’, “Giọt sương bay lên”…Điều thú vị ở chỗ anh lại là nhạc sỹ tay ngang. Vốn là kiến trúc sư, làm nghiên cứu sinh về quy hoạch, Nguyễn Vĩnh Tiến lại có duyên nợ với âm nhạc, thi ca. Sở hữu gu âm nhạc mộc mạc nhưng đầy ám ảnh, Nguyễn Vĩnh Tiến thuyết phục được cả những khán giả khó tính nhất và giới chuyên môn.

15 năm gắn bó với âm nhạc, ngày 2/11 tới, lần đầu tiên Nguyễn Vĩnh Tiến tổ chức một liveshow cho riêng mình như lời tri ân khán giả, cũng là dịp để nhìn lại một chặng đường dài gắn duyên với âm nhạc.

nhac si nguyen vinh tien: ca am nhac va cuoc doi deu muon "quy hoach" hinh 1
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Liveshow “Tiền duyên” là hành trình của Nguyễn Vĩnh Tiến đến với âm nhạc

PV: Ngày 2/11 tới đây, nhạc sỹ tổ chức liveshow với những sáng tác của mình, vậy tên và ý tưởng tổ chức liveshow được anh chọn lựa thực hiện như thế nào?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Ngày 2/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi tổ chức liveshow đầu tiên trong cuộc đời mình. Trước đây tôi cũng từng có minishow rồi, hai đêm ở Paris, một đêm ở Ba Lan, và một đêm từ thiện ở Hà Nội. Liveshow lần này có tên là “Tiền Duyên”.

Tiền duyên là một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Một khái niệm mà các cụ nói: “Ai có trắc trở về chuyện hôn nhân, mãi không lấy được vợ, chồng chắc là có tiền duyên từ kiếp trước”. Đề tài cũng gắn với một câu chuyện có thật với tôi từ thời tôi 20 tuổi. Có một giấc mơ nối tiếp nhiều đêm. Trong giấc mơ có một cô gái xinh đẹp và luôn gặp tôi trong giấc mơ. Chính vì giấc mơ đó đẹp quá nên tôi viết ca khúc có tên là “Cắt tiền duyên”.

Ca khúc này được sáng tác theo âm hưởng dân gian đương đại. Chính vì thế nhóm sản xuất quyết định tổ chức đêm nhạc mang tên “Tiền duyên” và trong những bài hát biểu diễn có bài “Cắt tiền duyên” .

PV: Kèm theo bài hát “Cắt tiền duyên”, thì những bài hát được biểu diễn trong liveshow được nhạc sĩ sáng tác trong những giai đoạn nào?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Liveshow này, giống như một sự tổng kết cả một hành trình tôi đến với âm nhạc. Thực ra tôi là một kiến trúc sư, cũng có một công ty trúc riêng, gắn bó với kiến trúc 20 năm. Tuy nhiên âm nhạc là người bạn đồng hành và tôi gắn bó với âm nhạc được 15 năm, bắt đầu xuất hiện trong chương trình Bài hát Việt với sự xuất hiện của các ca khúc “Bà tôi”, “Giọt sương bay lên” …Tính từ thời điểm xuất hiện trước công chúng đến giờ đã được 15 năm, nên tôi muốn được làm liveshow để đánh dấu một chặng đường âm nhạc của mình. Khi hoạt động nghệ thuật thì người nghệ sĩ luôn luôn mong mỏi phải có một tuyển tập. Tôi đã ra được hai album “Giọt sương bay lên” với tiếng hát của ca sĩ Ngọc Khuê và “Ngồi trên vách nắng” mang âm hưởng dân gian thính phòng được các ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Tùng Dương, Tuấn Anh Sao Mai…thể hiện.

Ngoài hai album đó ra, trong liveshow này, tôi cũng dự kiến sau khi kết thúc sẽ ra một ấn phẩm DVD ghi lại chính đêm liveshow đó như một tác phẩm hoàn chỉnh. Chính vì thế mà việc tổ chức sản xuất, cũng như việc chuẩn bị bài vở được chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi chương trình được tổ chức nhằm hai mục đích. Một là ra đời đêm nhạc đánh dấu một chặng đường, thứ hai nữa ra đời một DVD sau đó.

PV: Nhạc sĩ Nguyễn Vinh Tiến là thành viên của nhóm M6. Vậy trong liveshow liệu có sự góp mặt của nhóm M6?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Nhóm M6 là nhóm các tác giả sáng tác nhạc rất tài năng như anh Ngô Tự Lập, anh Nguyễn Lê Tâm, anh Trần Đức Minh, nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Nguyễn Thắng. Đây là liveshow cá nhân nên tôi muốn để cho ban nhạc M6 sẽ có một sự chiêm ngưỡng tác phẩm và đồng hành trong liveshow này. Duy chỉ có một thành viên của M6, anh ấy là một trong hai nhạc trưởng trong đêm nhạc của tôi tại Nhà Hát Lớn đó là nhạc sĩ Trần Đức Minh.

PV: Những bài hát được biểu diễn trong liveshow của anh?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Trong liveshow của tôi được chia làm 3 phần nhưng có 2 phần chính. Phần mở đầu gồm những tác phẩm đã từng quen thuộc với công chúng như “Bà tôi”, “Giọt sương bay lên”, “Giấc mơ dai dẳng”, được ca sĩ Ngọc Khuê trình bày và nhạc trưởng Phan Cường. Phan Cường gắn bó với tôi từ thuở bắt đầu đến với âm nhạc.

Phần thứ 2 tôi cũng hơi mạo hiểm giới thiệu 15 bài hát mới tinh. Đó là những tác phẩm mới đối với công chúng nghe nhạc nhưng đối với tôi nó lại là cả một chặng đường 15 năm. Những tác phẩm mới được chuẩn bị kỹ lưỡng đi cùng những giọng ca hàng đầu Việt Nam như Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Khuê, Khánh Linh, Thái Thùy Linh, Đinh Mạnh Ninh, ban nhạc Đông Đô.

Phần thứ 3 là phần tổng kết. Tôi say mê nhạc kịch. Tôi thích nhạc kịch và muốn nhạc kịch được phổ biến hơn ở Việt Nam. Chính vì thế tôi tham gia một số vở với nhà hát Kịch, nhà hát múa rối, gần đây nhất là vở “Thân phận nàng Kiều” tham gia ở Liên hoan múa rối quốc tế.

Ở thể loại nhạc kịch, tôi muốn giới thiệu trong phần 3 của chương trình hai bài “Kiều ca” và “Đạm Tiên ca”. Đây là hai bài hát tôi rất yêu thích trong nhạc kịch múa rối. Các bạn sẽ thấy không gian của nhạc kịch được đầu tư công phu với sự hợp tác phối khí của nhạc sĩ Trần Đức Minh.

nhac si nguyen vinh tien: ca am nhac va cuoc doi deu muon "quy hoach" hinh 2
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến giới thiệu về liveshow "Tiền duyên" trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 22/10.

Cả âm nhạc và cuộc đời Nguyễn Vĩnh Tiến đều muốn được “quy hoạch”

PV: Vậy ý đồ chương trình được chia làm 3 phần rất chặt chẽ, liệu nó có ảnh hưởng gì từ nghề kiến trúc sư của anh không?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Thực ra tôi là kiến trúc sư, làm nghiên cứu sinh về quy hoạch, tôi luôn luôn mắc bệnh nghề nghiệp là làm gì cũng phải ra tấm, ra món, có đề thực, luận kết, có 3 phần mở bài, thân bài và kết luận. Cả cuộc đời tôi cũng vậy cũng muốn phải được quy hoạch chặt chẽ nhưng thực ra không phải như vậy. Mình cứ cố gắng nhưng mọi sự lại không như ý muốn, chính vì vậy sinh ra nhiều lúc buồn chán, rồi khi buồn chán lại sinh ra làm thơ, viết nhạc.

Bạn cứ nỗ lực quy hoạch cuộc đời nhưng mọi thứ lại thay đổi, 5 năm lại thay đổi một lần. Chính sự thay đổi cuộc đời đó mới là cuộc đời, đó là cuộc sống.

PV: Trong danh sách những bài hát của anh thì thấy phần lớn sự quan tâm của nhạc sĩ tới những đề tài rất dân dã từ “Bà tôi”, “Giọt sương bay lên”, “Mẹ tôi”, “Thị xã vắng”, điều gì khiến anh có cảm xúc với những đề tài như vậy?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi thích nông thôn. Bản thân tôi sinh ra ở Phú Thọ, lúc đó là một thị xã cũng khá vắng vẻ. Khi nhỏ tôi gắn bó nhiều thời gian với quê ngoại tôi ở Hoài Đức. Tất cả những hình ảnh đình làng, cánh đồng, rơm rạ, của vùng Châu thổ sông Hồng đã ngấm vào trong tôi và luôn luôn là đề tài rộng lớn mà tôi thấy mình bơi mãi chưa thấy bờ.

Bản thân văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều đề tài, câu chuyện. Bản thân tôi là kiến trúc sư tôi cũng thường viết bài theo bộ như viết về “Bà tôi” thì viết về “Ông tôi”, “Mẹ tôi”, “Cha tôi”…Tiếp theo đó tôi biết bộ 12 tháng. Chính văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ giúp cho tôi có nguồn tư liệu dồi dào. Những loại hoa, phong tục tập quán trong tháng được thể hiện trong bài hát…người nông dân thích ứng với câu chuyện mùa màng như nào, câu chuyện tâm tư của cả những người sống ở đô thị trong từng tháng được gửi gắm trong bộ bài hát 12 tháng này. Hiện nay bộ bài hát 12 tháng của tôi đã có người mua độc quyền.

PV: Như vậy nhạc sĩ quy hoạch rất rõ ràng. Vậy xong 12 tháng thì anh sẽ viết tiếp về bộ gì?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Hiện tôi đang say đắm viết về hoa. Tại sao mọi người cứ nói tôi gắn bó với cảnh nông thôn hay ngoại ô. Tôi thấy rằng ở đó có một nguồn năng lượng dồi dào mà mình khai thác mãi không hết, bơi mãi không nhìn thấy bờ. Tôi rất say đắm yêu các loài hoa, đặc biệt là hoa dại. Album của tôi viết về 12 loài hoa nhưng đó là những loài hoa không ai để ý như hoa dâm bụt, xấu hổ, dành dành, rau muống nhưng nó lại có vẻ đẹp riêng, bình dị.

Album về 12 loài hoa bình dị hướng tới sự nhìn nhận bình đẳng trong thế giới thực vật nhưng đồng thời cũng ẩn ý hướng tới sự bình đẳng trong xã hội. Mọi sự tồn tại đều có lý do và giúp ích cho nhau.

PV: Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có sức làm việc rất đáng nể. Anh có thể chia sẻ lý do có thể làm được nhiều việc cùng một lúc như vậy, vừa làm kiến trúc sư, vừa viết nhạc mà lại sáng tác rất nhiều bài hát hay nữa.

Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi nghĩ rằng do mình là người ham học, ham đóc sách. Ngày xưa thị xã Phú Thọ của tôi rất vắng vẻ chả có gì vui chơi, tôi chỉ có thú vui ra hiệu sách tìm đọc. Tôi cùng các bạn học chuyên toán cũng chả có thú gì ngoài việc mua tạp chí toán học tuổi trẻ về giải. Hình như vùng đất Trung du Phú Thọ, ai cũng yêu thơ, ai cũng là nhà thơ hay sao. Đấy là vùng đất của thơ ca. Dòng sông Hồng quanh co uốn khúc đến đó thì gọi là sông Thao, cảnh vật vắng vẻ khiến cho con người ta cũng bị lãng đãng thơ ca. Chính không khí của nơi mình sinh ra đã hình thành nên những tính cách của mình. Cho nên tôi say đắm với văn học nghệ thuật. Kiến trúc cũng là nửa nghệ thuật, nửa kỹ thuật. đấy chính là nguồn dinh dưỡng, tiếp thêm sức mạnh từ quê hương để tôi thấy mình có động lực sáng tạo liên tục.

Khi chúng ta tĩnh tâm đọc nhiều sách, đóc đúng sách, chiêm nghiệm suy nghĩ thì chúng ta có thêm nguồn năng lượng để sáng tác./.

0 nhận xét:

Post a Comment