Thursday, October 31, 2019

Nhà thơ Anh Ngọc: “Tôi vẫn viết thơ tình khi cảm xúc đến”…

Một chiều cuối thu, nắng dần tắt trên hàng cây long não mát xanh, gió nhẹ, lao xao với đám lá vàng vương trên phố, một cảm giác nhẹ nhõm, bâng khuâng với những câu chuyện ý vị và hóm hỉnh khi trò chuyện cùng nhà thơ Anh Ngọc tại số 4 Lý Nam Đế - ngôi nhà của nhiều thế hệ văn nhân tạp chí Văn nghệ Quân đội.

nha tho anh ngoc: "toi van viet tho tinh khi cam xuc den"… hinh 1
Nhà thơ Anh Ngọc

Tôi luôn nhớ đồng nghiệp cũ

PV: Thưa nhà thơ Anh Ngọc, cứ mỗi độ thu về, trong không khí dịu mát và trong lành của trời thu, sắc thu Hà Nội, ông có bật ra tứ thơ nào không?

Nhà thơ Anh Ngọc: Mùa thu bắt đầu bằng những cơn gió mát dịu, nắng nhẹ, cảm giác thật sảng khoái khi sáng sáng đi dưới hàng cây long não, dưới những con phố mát xanh của Hà Nội. Tôi có thói quen đi bộ mỗi sáng trên con phố Lý Nam Đế, nơi đã gắn bó với tôi hơn 40 năm qua. Đi qua cổng cơ quan nhìn hàng cây hoa sứ trước cổng, tôi lại nhớ những người đồng nghiệp cũ, nhớ lắm! Mùa này không có hoa sứ rụng trắng đầy sân nhưng cũng gợi trong tôi cảm xúc rất lạ. Những kỷ niệm ùa về, ắp đầy, hình như những người bạn cũ đang còn đâu đây, ở hành lang này, ở căn phòng kia. Và, thơ cứ thế mà ùa ra, vui buồn cùng kỷ niệm.

PV: Ông và nhiều văn nghệ sĩ có quá nhiều kỷ niệm, gắn bó và yêu quý ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Bây giờ đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường xuyên đến thăm, chuyện trò với mọi người?

Nhà thơ Anh Ngọc: Tôi về ngôi nhà chung này từ năm 1979 và gần 40 năm qua, tôi vẫn ghé thường xuyên chuyện trò với đồng nghiệp. Thế hệ tôi, các bạn văn chương gặp gỡ nhau, ôn lại bao nhiêu chuyện vui buồn. Tôi nhớ Thanh Tịnh, Nguyễn Trọng Oánh, Vương Trọng, Vũ Cao, Phạm Ngọc Cảnh, Xuân Thiều, Chính Hữu, Chu Lai, Trần Đăng Khoa, Lê Lựu, Xuân Sách... Họ là những nhà văn, nhà thơ tên tuổi, đóng góp nhiều cho văn học nước nhà. Nhà thơ Xuân Quỳnh từng nói rằng, tạp chí Văn nghệ Quân đội là Hội Nhà văn thứ 2, có lẽ là do những đóng góp to lớn của những cây bút ấy.

PV: Nhắc tới những nhà văn, nhà thơ xứ Nghệ như Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Vương Trọng, Chính Hữu, ông nhớ về ai nhất? Kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất?

Nhà thơ Anh Ngọc: Mỗi người một vẻ nhưng người nào cũng tài hoa, tài năng, và điểm chung của họ là chất đồ Nghệ nổi bật, rất dễ nhận biết qua tác phong, qua giọng điệu và trong thơ họ toát ra chất khí khái, ngang tàng nhưng rất thâm sâu. Tôi có nhiều kỷ niệm với họ, đặc biệt là nhà thơ Vương Trọng. Tôi và anh Vương Trọng có rất nhiều cái chung, này nhé: Cùng ngày tháng năm sinh, cùng quê xứ Nghệ, anh Trọng quê ở Đô Lương, tôi ở Nghi Lộc, cùng đi bộ đội một năm, cùng lấy vợ người Hải Phòng, cùng làm thơ, cùng học ở Đại học Tổng hợp, cùng về tạp chí Văn nghệ Quân đội... Nhà thơ Vương Trọng có một biệt tài mà tôi vô cùng khâm phục, đó là tài chơi chữ, chỉ có vài chữ đảo đi đảo lại mà kỳ diệu lắm, ví dụ như cái tên Văn nghệ quân đội thì anh đổi thành “Văn đội quân Nghệ” là vì lúc bấy giờ có quá nhiều nhà văn, nhà thơ xứ Nghệ cùng về làm ở tạp chí.

Hồi ấy chúng tôi nghèo lắm, cứ gần đến Tết là anh em trong cơ quan thường nhận lịch về đóng. Công việc của chúng tôi là đóng vào bao bì bằng ni lông, nhà nào cũng làm, ngồi lồng sổ vào bao, không khí vui vẻ lắm bởi vì có thêm thu nhập để mua sắm Tết. Nhà thơ Vương Trọng hóm hỉnh bằng câu “Người được lồng sổ như chim sổ lồng”. Rồi có câu chuyện này nữa, có nhà văn được phong hàm cấp tướng, nhà nước phân nhà theo tiêu chuẩn cấp tướng, nhà văn ấy trả ngôi nhà cũ cho cơ quan, anh Trọng nói ngay “Nhà cấp tướng, nhường cấp tá”. Đấy, chất đồ Nghệ của anh Vương Trọng đậm đặc như vậy đó.

PV: Còn với những nhà thơ khác thì sao, thưa ông?

Nhà thơ Anh Ngọc: Nhiều lắm, ai cũng có những giai thoại đáng yêu. Chỉ cần nói đến điệu cười thôi thì đã có bao nhiêu là giọng, không lẫn được, vui lắm! (cười). Tôi lại nhớ nhà thơ Vũ Cao, chúng tôi vẫn gọi là cụ Cao, người lúc nào cũng đi chân đất. Một lần, cụ lại đi dép, gõ phòng cụ Thanh Tịnh. Cụ Tịnh quy định vào phòng là bỏ dép ở ngoài, thế là cụ Cao tháo dép ra, cụ Thanh Tịnh vội xua tay “thôi, thôi! Riêng anh thì cứ đi cả dép!” (cười). Vui thế, tếu táo thế, ấy vậy mà cụ Cao không giận, lại cười xòa, tiếng cười giòn giã, sang sảng.

PV: Hẳn là rất yêu quý các nhà văn, nhà thơ nên ông khắc nhớ những kỷ niệm về họ sâu sắc đến như vậy. Vậy các nhà văn, nhà thơ nhớ gì về ông nhất?

Nhà thơ Anh Ngọc: Họ nhớ về tôi với những buổi bình luận bóng đá. Tôi đặc biệt thích bóng đá và hiểu về môn thể thao này. Có nhiều người bạn gọi điện nói với tôi rằng họ thích cách bình luận của tôi, hóm hỉnh và khá tinh tế, mà đoán tỉ số toàn sai (cười).

Tôi còn nhớ một chuyện thế này: Mỗi lần nhắc về tôi, nhà văn Chu Lai đều nói với mọi người “Tôi viết tiểu thuyết “Phố nhà binh” là do những gợi ý của Anh Ngọc, rồi tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” cũng là tiểu thuyết mà Anh Ngọc đặt tên”. Đấy, họ nói vậy, chắc cũng yêu quý tôi lắm nhỉ!

Làm thơ cần nghiêm túc

PV: Nhà thơ phân bố thời gian một ngày như thế nào? Ông có theo dõi thơ của các bạn trẻ?

Nhà thơ Anh Ngọc: Tôi đi tập thể dục mỗi sớm và ngắm nhìn phố phường, tận hưởng không gian yên ả, thanh bình. Đọc sách, thơ mỗi ngày và viết thường xuyên. Tôi chơi facebook và trò chuyện với các bạn, với độc giả qua trang mạng xã hội này, tôi thấy thú vị và nhiều bổ ích. Đó là một phần của cuộc sống hiện đại, ông già 70 là tôi cũng phải học công nghệ để thích nghi. Vui lắm! Tôi theo dõi facebook để biết thông tin về bạn bè văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, để đọc thơ của các bạn.

Tôi vẫn làm thơ và bình thơ, vẫn up bài đều đặn trên facebook để các bạn tham khảo và tôi cũng đọc thơ của các bạn, nhận xét, góp ý. Các bạn trẻ có nhiều sáng tạo, có nhiều ý tưởng và tôi cũng mong các bạn trau dồi thật nhiều để viết hay hơn. Thế hệ của các bạn khác với chúng tôi rất nhiều, nhưng để làm thơ thì ai cũng vậy, cần sự nghiêm túc và không ngừng tìm tòi, khám phá.

PV: Tôi còn nhớ nhà thơ Anh Ngọc có những câu thơ thật ấn tượng “tiễn người ra cửa rồi/ tôi quay vào lặng lẽ/ chợt thấy mình cô đơn/ giữa ngổn ngang bàn ghế/ khi người không yêu ta/ buồn đã thành một nhẽ/ khi ta không yêu người/ sao cũng buồn đến thế?”, nhà thơ có thể “bật mí” về những bài thơ tình của mình?

Nhà thơ Anh Ngọc: Đa cảm, đa tình là phẩm chất nổi bật của nghệ sĩ, người làm thơ cũng vậy, tôi cũng vậy. Có thể đấy là cảm xúc về một ai đó, không cụ thể đâu nhưng cứ phảng phất, cứ làm mình nhớ. Thơ tình là nơi gửi gắm cảm xúc chân thực, những rung động thực. Không thể gượng ép. Cái đẹp là địa hạt của thơ và nhà thơ là người gieo mầm những rung động, cảm xúc. Tôi vẫn viết thơ tình khi cảm xúc đến, viết xong vui lắm! Tôi chưa già nhỉ! (cười).

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ!

0 nhận xét:

Post a Comment