Thursday, May 16, 2024

Nhiều lăng mộ gia đình bà Từ Dũ không có lối vào

Xây xong khu tưởng niệm nơi có mộ ngài Phạm Đăng Dinh, bà Hoa muốn vào viếng phải đi qua ao nước phía sau - Ảnh: SƠN LÂM

Xây xong khu tưởng niệm nơi có mộ ngài Phạm Đăng Dinh, bà Hoa muốn vào viếng phải đi qua ao nước phía sau - Ảnh: SƠN LÂM

Ngoài đền thờ và lăng mộ của cha ruột bà Từ Dũ (1810-1901, mẹ vua Tự Đức) ở TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã được tôn tạo và công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hiện còn nhiều lăng mộ khác trong dòng họ của bà Từ Dũ không có lối cho con cháu vào thăm viếng.

Những ngôi mộ của những người thân cận này đang nằm trong phần đất của các hộ dân khác dù quy mô, kiến trúc xây dựng mang nguyên dáng vẻ bề thế đúng với thân phận hoàng gia triều Nguyễn.

Bít đường vào mộ tổ

Dẫn chúng tôi men theo con đường bên cạnh khuôn viên di tích Lăng Hoàng Gia vào ấp, bà Phạm Đăng Túy Hoa dừng lại trước một ngôi nhà, mở lời xin phép chủ nhà đi vào phía sau để... viếng mộ mẹ ruột của bà Từ Dũ.

Người chủ nhà vui vẻ đồng ý. Chúng tôi cởi giày, đi xuyên qua nhà. Qua hết chái bếp, khu nhà vệ sinh, ra phía sau vườn mới thấy được lăng mộ đặc trưng dành cho gia thất triều Nguyễn. Mộ mẹ ruột bà Từ Dũ còn đầy đủ bờ tường, bình phong trước mộ, các trụ biểu dẫn vào mộ chính...

Cạnh bên đó, cách mộ mẹ ruột bà Từ Dũ một rào thép gai là lăng mộ bà nội bà Từ Dũ, cũng còn nguyên vẹn. Lăng mộ hai mẹ con vốn được xây yên nghỉ cạnh nhau, nay đã lọt vào hai khu vườn của hai gia đình khác nhau. Muốn sang thăm mộ bà nội bà Từ Dũ, chúng tôi phải vòng ra phía trước đường, xin phép tiếp chủ nhà thứ hai để được vào.

Bà Hoa là cháu đời thứ 9 của dòng họ Phạm Đăng trên đất Gò Công, vẫn thường rớt nước mắt mỗi khi về viếng mộ tổ tiên.

"Ngài Phạm Đăng Dinh vào nửa đầu thế kỷ thứ 18 từ Quảng Ngãi là một trong những người tiên phong khai hoang vùng này. Lịch sử Đảng bộ Long Hưng có ghi rõ. Đến đời thứ 3 thì có ông Phạm Đăng Hưng làm đến chức lễ bộ thượng thư, sinh ra bà Từ Dũ là đời thứ 4 của dòng họ trên đất Gò Công. Trong Hòa ước Giáp Tuất 1874, người Pháp vẫn dành ra 100 mẫu đất khu vực lăng mộ dòng họ Phạm Đăng, không cho ai xâm phạm. Chính điều này đã đưa nhiều anh hùng về đây để dễ bề quy tụ khởi nghĩa đánh Pháp", bà Hoa kể.

Theo bà Hoa, cả khu vực này có 19 ngôi mộ cổ của dòng họ Phạm Đăng có niên đại từ 100 năm đến hơn 200 năm. Tất cả đều mang đặc trưng kiến trúc, thẩm mỹ thể hiện phong cách hoàng gia.

"Theo chủ trương Nhà nước trước đây, hộ nào phía sau có lăng mộ của họ Phạm Đăng đều phải trích ra 2m đất để làm đường chung. Nhưng giờ thì chỉ có hai ngôi mộ giáp mặt đường là viếng được, còn lại đều đã lọt vào đất của người dân. Không chỉ thế, có hai ngôi mộ là anh em chú bác với bà Từ Dũ đã có trên 160 năm, nay đã bị người ta đào di dời, hài cốt không biết để ở đâu", bà Hoa buồn rầu.

Có quyền yêu cầu đất liền kề dành lối đi chung

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay điều 245, điều 254 Bộ luật Dân sự có quy định quyền đối với bất động sản liền kề.

Theo đó, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

"Như vậy với trường hợp khu đất lăng mộ ngài Phạm Đăng Dinh bị vây bọc bởi đất của các chủ đất khác, bà Hoa là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất lăng mộ ngài Phạm Đăng Dinh có quyền yêu cầu người dân sử dụng đất xung quanh dành một lối đi trên đất của họ để ra đường công cộng. Lối đi được mở trên phần diện tích đất liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất và các bên sẽ thỏa thuận về vị trí, giới hạn...", luật sư Nhật nói.

Trong trường hợp nếu có tranh chấp về lối đi, các bên có thể yêu cầu UBND phường Long Hưng để hòa giải hoặc khởi kiện đến tòa án để giải quyết.

Bên cạnh đó, luật sư Nhật cho rằng Lăng Hoàng Gia đã được phong di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Theo sơ đồ lăng mộ tộc họ Phạm Đăng, Lăng Hoàng Gia bao gồm lăng Hoàng Gia, quần thể lăng mộ gồm mộ ngài Phạm Đăng Dinh, mộ mẹ ruột và bà nội bà Từ Dũ...

Căn cứ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi bổ sung năm 2009), thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, quần thể lăng mộ theo sơ đồ lăng mộ tộc họ Lăng Hoàng Gia cũng có thể thuộc các khu vực bảo vệ của di tích.

Do đó đối với trường hợp mộ mẹ bà Từ Dũ, mộ bà nội bà Từ Dũ... nằm trong đất vườn người khác thì khu vực có mộ này cũng có thể được xem là khu vực bảo vệ di tích, phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa. Từ đó có các phương án ứng xử đúng với quy định về các lăng mộ này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thị Chanh - chủ tịch UBND phường Long Hưng, TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang - cho biết phường vẫn đang giải quyết đường vào mảnh đất có mộ ngài Phạm Đăng Dinh. Theo bà Chanh, hiện nay có ba ngả để đi vào khu lăng mộ ông Phạm Đăng Dinh và các tổ hòa giải của phường vẫn đang làm việc với các hộ dân để thống nhất phương án.

"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát tại ngả vào thứ ba, đồng thời phối hợp với tổ hòa giải ấp để làm việc với các hộ dân liên quan để có lối vào khu lăng mộ", bà Chanh nói.

0 nhận xét:

Post a Comment